Hạn chế xe máy theo giờ và theo ngày trong tuần đối với một số khu vực, tuyến đường

 
Chia sẻ

Việc dừng xe máy có thể theo giờ và theo ngày trong tuần đối với khu vực, tuyến đường được chọn. Cụ thể, trên các tuyến đường, hạn chế vào các khung giờ cao điểm từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ 30 đến 19 giờ 30.

Ngày 25-10, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng 2 Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” và Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đã đi vào”.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện thành phố có hơn 6,6 triệu phương tiện giao thông đường bộ; trong đó có khoảng 0,6 triệu ô tô các loại và 5,9 triệu xe máy. Phương tiện giao thông trong giai đoạn 2011-2018 bình quân: tăng 11%/năm đối với ô tô (ô tô con là 11,5%/năm), xe máy là 6,75%/năm.

Ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT cho biết, hiện nay, vận tải hành khách đô thị vẫn phụ thuộc chủ yếu vào giao thông cá nhân, trong đó xe máy chiếm khoảng 80,4% số chuyến đi.

Han che xe may theo gio va theo ngay trong tuan doi voi mot so khu vuc, tuyen duong - Hinh anh 1
Các đại biểu, chuyên gia giao thông góp ý vào 2 Đề án

Thời gian qua, số điểm ùn tắc giao thông giảm từ 44 điểm năm 2015 xuống còn 27 điểm vào năm 2019, nhưng ùn tắc vẫn phức tạp thời gian kéo dài, mức độ thường xuyên và nghiêm trọng hơn, đặc biệt trong khu vực trung tâm.

Ông Mười cho hay, kinh nghiệm giải quyết ùn tắc giao thông của các thành phố trong khu vực và thế giới đã chứng minh cần dựa trên phát triển giao thông công cộng với nòng cốt là vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị, metro và xe buýt.

“Nghiên cứu về khả năng giao thông qua mặt cắt ngang và diện tích chiếm dụng của một số loại phương tiện giao thông điển hình cho thấy, nếu cùng yếu tố lưu thông trên mặt đường, với cùng một lượng người chuyên chở, diện tích chiếm dụng của xe máy chiếm gấp 6,8 lần so với diện tích của xe buýt”, ông Mười nói.

Về nguyên tắc, tuyến và khu vực hạn chế hoạt động xe máy phải có hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện giao thông thay thế đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, phải tổ chức giao thông hợp lý, đảm bảo việc đi lại của người dân trong và ngoài khu vực hạn chế được thuận lợi; đảm bảo kết nối giữa các loại hình phương tiện giao thông giao thông công cộng.


Dự kiến đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 17 quận, tăng thêm 5 quận so với hiện trạng bao gồm Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng. Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố sẽ quy hoạch 5 đường vành đai, trong đó vành đai 2, vành đai 3 là vành đai đô thị. Vành đai 4 và 5 làm vành đai lên vùng. Ngoài ra còn có vành đai 3,5 không khép kín, mang tính chất là đường trục chính đô thị.

Theo quy hoạch, thị phần vận tải hành khách khu vực đô thị Trung tâm đến năm 2030 đạt khoảng 50 đến 55% với việc phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị, 8 tuyến BRT và 3 tuyến tàu điện một ray monorail. Theo tính toán của tư vấn, các tuyến di chuyển bằng xe máy sẽ chuyển sang vận tải công cộng và các phương tiện khác như xe con cá nhân, xe đạp. Do đó vận tải hành khách công cộng cần đáp ứng 60,5% đến 64,8% nhu cầu đi lại.

Để đảm bảo yêu cầu trên, đến năm 2030 cần đưa vào hoạt động 8 tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến buýt, 35.000 xe taxi, 50.000 đến 55.000 xe hợp đồng; 15 đến 20 tuyến buýt mini, 8.000 đến 10.000 xe đạp công cộng.

Về lộ trình thực hiện, ông Mười cho hay, việc dừng xe máy có thể theo giờ và theo ngày trong tuần đối với khu vực, tuyến đường được chọn. Cụ thể, trên các tuyến đường, hạn chế vào các khung giờ cao điểm từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ 30 đến 19 giờ 30.

Với không gian đi bộ, hạn chế từ 6 giờ thứ 6 đến 24 giờ chủ nhật hàng tuần và các ngày nghỉ lễ. Với các khu vực khác, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đề xuất chỉ hạn chế trong khung giờ hoạt động của hệ thống vận tải công cộng, từ 6 giờ đến 22 giờ.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, tốc độ tăng trưởng của hệ thống đường bộ không theo kịp với sự phát triển của phương tiện giao thông dẫn tới quá tải cho hệ thống đường bộ, làm cho tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường tăng lên.

Trước tình hình đó, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng lộ trình nhằm hạn chế xe cá nhân một cách hữu hiệu; trong đó 2 đề án được đưa ra lấy ý kiến tại hội thảo này là rất quan trọng nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Pháp Luật Xã Hội

Tin liên quan