HĐND TP Hồ Chí Minh thống nhất xây dựng Vành đai 3

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chiều 7/4, tại kỳ họp thứ 5, 100% đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh khoá X đã thông qua Nghị quyết về triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

HDND TP Ho Chi Minh thong nhat xay dung Vanh dai 3 - Hinh anh 1
Quang cảnh kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hồ Chí Minh khoá X. 

HĐND TP giao UBND TP hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, chấp thuận cho TP được thực hiện huy động bổ sung cho ngân sách TP để chi đầu tư phát triển và các cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

HĐND TP cũng yêu cầu UBND TP cân đối đủ vốn ngân sách TP bố trí để thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã phê duyệt.

UBND TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi tập trung xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư… đảm bảo cuộc sống người dân sau tái định cư phải tốt hơn nơi cũ, cải thiện sinh kế cho người dân.

Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh có tờ trình về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Theo đó, Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là dự án trọng điểm quốc gia, đi qua 4 tỉnh, thành là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công (kết hợp vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương).

Chiều dài dự án khoảng 76 km, đầu tư 4 làn xe cao tốc hạn chế; đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe. Dự án chia làm 8 dự án thành phần và giao các địa phương tổ chức thực hiện. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là hơn 75.000 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2022-2027. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bắt đầu triển khai từ quý III/2022, hoàn thành vào quý IV/2024.

Dự án có hình thức đầu tư công từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, trong đó từ ngân sách TP Hồ Chí Minh hơn 24.000 tỉ đồng. Trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án thành phần thì địa phương chịu trách nhiệm bố trí phần vốn tăng thêm từ nguồn ngân sách địa phương. 

Cũng tại kỳ họp, HĐND TP khóa X cũng đã chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư trên. 

Diện tích rừng bị ảnh hưởng gồm 12 lô thuộc địa bàn xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh với 16,82ha. Trong đó diện tích có rừng 16,8ha, diện tích không có rừng 0,02ha.

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h