Trong đó, lấy tàu điện MRT làm xương sống, giảm áp lực lưu thông trên mặt đất.
Giải pháp cho 7,5 triệu dân
Đường sắt đô thị thường được hiểu đi ngầm dưới mặt đất. Nhưng trong số hơn 60 đường tàu điện ngầm trên thế giới chỉ có 10 đường hoàn toàn đi trong mặt đất, còn lại kết hợp giữa trên và dưới mặt đất. Bài học từ các nước đã thành công MRT cho thấy, cần triển khai càng sớm càng tốt. Nếu chậm trễ, mật độ nhà cửa ngày một tăng cao, khi đó gánh nặng ngân sách càng lớn.
Hệ thống tàu điện ngầm tại TP Tokyo, Nhật Bản.
Tại khu vực châu Á, các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Malaysia, hay Hongkong (Trung Quốc) đều đã áp dụng đường sắt đô thị vào hệ thống GTCC. Trong đó, Malaysia đang trong thời kỳ hoàng kim của đường sắt với hàng loạt tuyến đường được đề xuất. Cụ thể, tuyến đường sắt cao tốc Kuala Lumpur - Singapore, tuyến đường sắt Bờ Đông dài 688km (từ Cảng Klang đến Wakaf Bharu, Kelantan) và tuyến đường sắt dài 200km từ Gemas tại Negri Sembilan tới Johor Baru, hình thành nên hệ thống phía Nam của dự án đường ray điện khí hóa của KTMB (cơ quan chủ chốt vận hành hệ thống đường sắt tại Malaysia).
Với Hà Nội, quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô đến năm 2020 chọn xây dựng đường sắt đô thị là trọng tâm, kết hợp với xe buýt nhanh BRT, taxi... nhằm tăng tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng và bán công cộng. Trong tương lai, các tuyến tàu điện phải như “xương sống” của hệ thống GTCC Thủ đô. Cũng không ngoại lệ vì Hà Nội đã bắt đầu thí điểm tuyến tàu điện ngầm Nhổn - Ga Hà Nội. Theo giới chuyên gia, với một đô thị 7,5 triệu dân như Hà Nội, MRT là sự lựa chọn bắt buộc để trị “căn bệnh” ùn tắc giao thông.
Cân bằng phát triển đô thị và văn hóa
Thực tế từ các nước ở châu Âu hay châu Á cho thấy, việc phát triển tàu điện nhanh và tàu điện ngầm ở Việt Nam vẫn là chặng đường dài. Đầu ra cho hình thức giao thông mới mẻ này chắc chắn không hề dễ dàng ở môi trường Việt Nam. Từ bài học nhãn tiền về việc người dân ít mặn mà với xe buýt, cần “đi trước đón đầu” nâng cao chất lượng dịch vụ MRT theo hướng văn minh, an toàn và thân thiện.
Đã phổ biến tại hơn 100 TP phát triển trên thế giới, mô hình các tuyến tàu điện ngầm ở Hà Nội trở thành tất yếu, khi quỹ đất nổi dành cho GTCC ngày càng thu hẹp. Vậy nhưng, tại Hà Nội, khu vực đông dân cư và có nhu cầu về tàu điện ngầm lớn nhất lại chính là vùng “lõi” trung tâm - nơi đậm đặc các di tích lịch sử và văn hóa. Làm sao để có sự cân bằng bài toán ấy? “Đó là mâu thuẫn muôn thủa giữa hai vấn đề bảo tồn di sản và phát triển đô thị.
Có tàu điện ngầm (ga C9 khu vực Hồ Gươm thuộc dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) nhu cầu đặt một nhà ga tại khu vực Hồ Gươm là hợp lý và chính đáng. Cái cần bàn là vị trí chi tiết và thiết kế của nhà ga đó. Mà điều này rất khó nói, khi chúng ta chưa hề có một bản quy hoạch tổng thể các hệ thống giao thông ngầm của Hà Nội trong tay” - nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội Nguyễn Lân nhận định.
Giới quy hoạch phân tích, thời điểm khởi đầu, công tác quy hoạch là điểm mấu chốt của quá trình hình thành không gian ngầm đô thị. Quá trình lập quy hoạch cũng như lập dự án đầu tư cần tính toán tạo ra tính đa năng trong các dự án. Phải có tầm nhìn xa về việc liên kết hệ thống các công trình ngầm với hệ thống không gian trên mặt đất. Đồng thời, bảo đảm việc khớp nối kỹ thuật, không gian và cảnh quan kiến trúc đô thị.
Ngoài những khó khăn về quy hoạch, kinh phí, đối với MRT việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng là bài toán khó. Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Giám đốc điều hành Tập đoàn Gamuda Engineering Szeto Wai Loong chia sẻ, Gamuda đã phải nỗ lực nghiên cứu rất lâu để bắt đầu với đường ray điện khí hóa 2 làn (Electrified Double Track Railway Project – EDTP). Hồi đó, KTMB đã giao cho các công ty ở Ấn Độ nhiều công việc liên quan đến phát triển đường ray và hệ thống, với các dự án công trình dân dụng cho các nhà thầu trong nước làm thầu phụ.
“Bước tiến cuối cùng mà Malaysia phải chạm tới trong lĩnh vực này là hệ thống báo hiệu trong phát triển đường sắt thông minh. Phần mềm báo hiệu chủ yếu từ Tây Ban Nha, Pháp, Đức, hoặc Italia đều là độc quyền, rất khó nắm bắt và mất nhiều thời gian để nguồn lực trong nước áp dụng được” – ông Szeto Wai Loong nói.
(Gia Tuấn)
Nguồn: Kinhtedothi.vn