Hiểm nguy rình rập từ xe chở hàng cồng kềnh

 
Chia sẻ

Trên địa bàn Hà Nội, tình trạng xe tự chế, xe ba gác chở quá khổ, quá tải lưu thông trên đường phố diễn ra tương đối phổ biến. Với rất nhiều nguy cơ, rủi ro và tiềm ẩn mối nguy hiểm tai nạn giao thông, những phương tiện này là mối lo của nhiều người tham gia giao thông. Để đảm bảo an toàn giao thông, đòi hỏi các ngành chức năng phải sớm có giải pháp chấn chỉnh và xử lý mạnh mẽ hơn…

Hiem nguy rinh rap tu xe cho hang cong kenh - Hinh anh 1
Xe "quá đát" chở hàng cồng kềnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Ảnh: Đinh Luyện

Chở đủ các mặt hàng từ thực phẩm, rau quả cho đến vật dụng gia đình, trang trí nội thất, cây xanh hoa kiểng… chất đầy xe, các phương tiện cứ lao đi vun vút trên khắp đường phố, giữa dòng người hối hả là hình ảnh thường thấy do những xe chở hàng vượt quá kích thước quy định lưu thông.

Đặc biệt, ở khu vực ngoại thành còn tồn tại tình trạng nhiều chiếc xe gắn máy đã rất cũ, đèn sau bể nát, biển số lắc lư có thể rơi ra bất cứ lúc nào, không đảm bảo lưu thông cũng tham gia chở hàng liên tục. Quanh vấn đề này, để hạn chế tình trạng xe máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật khi lưu thông, các cơ quan chức năng cũng đã có sự vào cuộc triệt để.

Cụ thể, Điều 17, Nghị định 46/2016/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” quy định phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng; Điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; biển số không rõ chữ, số; biển số bị cong, bị che lấp, bị hư.

Riêng với hành vi chở hàng hóa cồng kềnh tham gia giao thông, cần phải khẳng định nó không chỉ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà còn gây mất mỹ quan cho đô thị. Với những vi phạm liên quan, theo khoản 4 Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT, xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá: Bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng 0,5 mét; chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét. Theo đó, giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất trên xe mô tô, xe gắn máy chính là cái tay nắm đuôi xe, được tính từ mép tay nắm 2 bên hông.

Như vậy, nếu người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vượt quá một trong các giới hạn trên thì bị coi là chở hàng cồng kềnh. Ngoài ra, theo điểm k khoản 4 Điều 6 Nghị định 46 năm 2016, xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định sẽ bị phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng. Ngoài việc bị xử phạt tiền, người điều khiển xe chở hàng hóa cồng kềnh gây tại nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng.

Trong khi, ý thức tuân thủ các quy định về a toàn giao thông của một bộ phận người dân vẫn còn kém, dù đã có biện pháp xử phạt hành chính đầy đủ song việc chở hàng hóa cồng kềnh hiện nay vẫn diễn ra phổ biến và là một trong những nguy cơ gây tai nạn giao thông. Do đó việc xử phạt, quản lý các xe chở hàng cồng kềnh cần được thắt chặt hơn nữa.

Theo Lao động Thủ đô

Tin liên quan