Việc đầu tư xây dựng tuyến đê Tả Đáy kết hợp làm đường giao thông nhằm kết nối và phân bổ giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân trên địa bàn huyện nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Đưa đường đê Tả Đáy vào sử dụng, sẽ phân bổ, giảm tải lưu lượng giao thông cho các tuyến đường hướng tâm, kết nối giao thông thuận lợi giữa các tuyến đường Quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 6. Từ nay, người và các phương tiện giao thông có thể thoải mái đi lại trên tuyến đường đẹp rộng thênh thang và lộng gió, ngắm nhìn dòng Đáy quanh co uốn lượn…
Lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Hoài Đức gắn biển công trình dự án cải tạo đê Tả Đáy sáng 28/5
|
DA được đưa vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã ven đê Tả Đáy và của cả huyện, đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung, đáp ứng tiêu chí xây dựng huyện Hoài Đức thành quận trong tương lai.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hoàng Trường – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết: Trong quá trình thi công dự án cũng gặp không ít khó khăn như GPMB, điều chỉnh thiết kế các dốc đê, vấn đề thời tiết..., tuy nhiên, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo Ban Quản lý DA, các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, UBND các xã liên quan, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành TP tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công để thực hiện DA theo đúng kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Hoàng Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức phát biểu tại lễ gắn biển tên đường
|
Đây cũng là công trình chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại hội Đảng các cấp huyện Hoài Đức nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 6/2020, vượt tiến độ thi công khoảng 6 tháng.
DA cải tạo, nâng cấp tuyến Đê Tả Đáy kết hợp giao thông với tổng chiều dài tuyến đường 16,79km. Điểm đầu tuyến ở Km 2+700 – tại nút giao với tuyến đường N6 thuộc địa phận xã Song Phượng, (huyện Đan Phượng), điểm cuối tuyến tại vị trí Km19+490, đấu nối với dự án Trạm Bơm Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Tuyến đường mặt đê được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đồng bằng, với tốc độ thiết kế từ 40 đến 60 km/h. Chiều rộng nền đường 9 m, chiều rộng mặt đường 7m, kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa, xây dựng đồng bộ hệ thống chiếu sáng, thoát nước, trồng cỏ mái đê ….
Việc hoàn thành tuyến đường đê tả Đáy sẽ kết nối giao thông thuận lợi cho Hoài Đức và các địa phương lân cận
|
Tổng mức đầu tư của DA là 418,8 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách TP và huyện, trong đó chi phí xây lắp là 326,5 tỷ đồng, GPMB là 14,2 tỷ đồng, phí QLDA là 4,7 tỷ đồng. Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty CP Nhân Bình – Công ty TNHH Anh Huy – Công ty CP công trình giao thông 18 – Công ty CP xây dựng đô thị Hòa Phú. Nhà thầu giám sát là Liên danh Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Minh Vũ – Công ty CP tư vấn xây dựng và chuyển giao công nghệ – Công ty CP tư vấn Xây dựng Giao thông Hà Nội.