Italia cấm Vespa cổ để chống ô nhiễm

 
Chia sẻ

Cuối tháng 9 vừa qua, chính quyền thành phố Genoa, Italia cấm lưu thông tất cả các dòng Vespa quá niên hạn bởi xem đây là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.

Italia cam Vespa co de chong o nhiem  - Hinh anh 1
Những chiếc Vespa cổ đang gặp khó khăn ngay tại quê hương của Vespa ở Italia. 

Ông Marco Bucci, thị trưởng thành phố Genoa, Italia mới đây cho biết, sau nhiều năm tranh cãi giữa những người đam mê xe cổ và chính quyền, “luật thanh thải Vespa quá niên hạn” sắp chính thức có hiệu lực. 

Theo quy định mới, những mẫu Vespa động cơ hai thì, sản xuất trước năm 1999, sẽ không được phép lưu thông tại khu vực trung tâm thành phố. Cùng với lệnh cấm, chính quyền có chính sách ưu đãi với những ai muốn chuyển sang xe máy điện, thân thiện với môi trường.

Ông Bucci khẳng định, luật mới đã sẵn sàng và chỉ chờ Hội đồng thành phố thông qua: “Rõ ràng, nhiều thành phố ở Italia, trong đó có thủ đô Roma, đã ban hành lệnh cấm lưu thông với những chiếc xe máy cũ gây ô nhiễm. Tuy nhiên, ở Genoa chúng tôi lại gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo thống kê, Genoa là thành phố có tỷ lệ xe máy trên đầu người cao nhất Italia. Đây cũng là đô thị có số lượng ô tô ít nhất cả nước chỉ sau Venice, nơi người dân đi lại chủ yếu bằng thuyền. 

Năm 2016, cơ quan chức năng Genoa từng ban hành lệnh cấm xe máy quá hạn nhưng vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ bởi hơn 20.000 người đang sử dụng Vespa cũ bị ảnh hưởng. 

Những người yêu thích Vespa cổ khi đó phát động lời kêu gọi trên Twitter phong trào “Đừng động vào chiếc Vespa của tôi” phản đối quyết định của chính quyền. Hội đồng thành phố sau đó phải nhượng bộ và lùi thời gian thực hiện để người dân có thêm thời gian chuẩn bị phương tiện thay thế.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận chức thị trưởng, ông Marco Bucci quyết tâm khởi động lại kế hoạch này. Trong khi đó, trước những áp lực về ô nhiễm không khí, giờ đây những người yêu thích xe cổ dường như cũng thay đổi quan điểm. 

Italia cam Vespa co de chong o nhiem  - Hinh anh 2
Những người yêu thích xe cổ dường như cũng thay đổi quan điểm trước áp lực ô nhiễm không khí

Ông Italo Porcile, một chuyên gia môi trường bày tỏ: "Tôi yêu dòng xe Vespa và từng có một chiếc. Tuy nhiên, mẫu xe Vespa sản xuất trước năm 1999, gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Theo tôi, sức khỏe cộng đồng vẫn là điều quan trọng nhất".

Những nghiên cứu cho thấy, một động cơ hai thì đốt cháy hỗn hợp xăng, dầu, có thể gây ô nhiễm tương đương 30-50 động cơ 4 thì. Trong nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định khí thải Euro 3, Vespa cũng đang thay đổi bản thân. Ngoài việc phát triển động cơ phun xăng 4 thì, dòng xe này cũng có cả các xe chạy điện.

Không chỉ Italia, đầu năm nay, thành phố Amsterdam của Hà Lan đã cấm các xe sản xuất trước năm 2011 lưu thông trong khu vực trung tâm. Năm 2016, Paris, Pháp cấm xe máy, xe tay ga sản xuất trước năm 2000 vào trung tâm thành phố dịp cuối tuần.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 40 triệu xe máy, trong đó nhiều xe từ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước vẫn còn lưu thông. Không chỉ gây mất an toàn, những chiếc xe "quá đát" này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Những xe này do sử dụng công nghệ lạc hậu nên khả năng đốt cháy nhiên liệu không hết, thải khí độc hại ra ngoài môi trường gấp nhiều lần ô tô, phần lớn là hydrocarbon, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.

Theo ông Nguyễn Hữu Trí, phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, xe máy cũ nát, lưu hành lâu năm khi tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, khí thải từ động cơ của những xe máy cũ nát có hàm lượng chất độc hại rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tham gia giao thông cũng như người dân sống hai bên đường.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Tp.HCM chia sẻ: “Về góc độ xe quá niên hạn thì như chúng ta đã biết, khi sử dụng những phương tiện này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao, cho chính người điều khiển phương tiện. Thứ 2, đối với loại xe đó, yếu tố nguy hại cho cộng đồng là khí thải. Theo nghiên cứu, lượng khí thải ra từ các phương tiện cũ trong quá trình sử dụng rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với các phương tiện vận tải mà hiện nay chúng ta áp dụng tiêu chuẩn Euro 2 hay Euro 3”.

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan