Ông Quyết nói:
- Cuối tuần vừa rồi, tôi lên sân bay Nội Bài, chứng kiến cảnh xe ô tô bắt đầu nườm nượp ra vào ga, bắt đầu lại thấy cảnh ùn tắc và ồn ào. Bình thường thì hẳn chúng ta đều thấy phiền hà, nhưng vào thời điểm này, cảnh tượng ấy lại làm tôi thấy vui khó tả. Chỉ riêng sân bay Nội Bài tuần vừa rồi mỗi ngày đã đón xấp xỉ 30 nghìn lượt hành khách, tăng gấp khoảng ba lần so với cùng kỳ tháng trước.
Hoặc tại sân bay Đà Nẵng, hiện số khách Bamboo đang vận chuyển mỗi ngày ước tính đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, và tăng gấp 3 lần so với giai đoạn bùng dịch lần hai vừa qua.
Kỳ tích của những tháng đầu mùa hè vừa qua, nay một lần nữa đang lặp lại. Điều ấy khẳng định một cách mạnh mẽ sự dẻo dai kiên cường của cả thị trường hàng không Việt Nam nói chung và Bamboo Airways nói riêng.
Với riêng Bamboo Airways, đây là kết quả của những nỗ lực tối ưu hóa mạng bay nội địa, tăng cường hiệu quả khai thác máy bay, mở lại và tăng tần suất trên nhiều đường bay, thực hiện hàng loạt chương trình kích cầu, phát huy chất lượng dịch vụ định hướng 5 sao, song song với các biện pháp phòng chống dịch bệnh suốt thời gian qua.
Không ngại việc khó
Nhưng dù sao, cả FLC và Bamboo Airways của ông vẫn đều đang hoạt động trong hai lĩnh vực vẫn được xem là hứng chịu nhiều khó khăn nhất từ dịch bệnh, là du lịch và hàng không?
Khó khăn chung do các yếu tố cộng hưởng thì tất nhiên ít nhiều không thể tránh được. Tuy nhiên, ngoài việc phòng chống dịch vô cùng hiệu quả, tôi nghĩ Việt Nam còn sở hữu một thế mạnh có thể giúp đảo chiều cục diện, đó chính là quy mô thị trường nội địa rộng lớn. Và nhìn lại thì thời gian qua, chúng ta đã từng bước tận dụng rất tốt điều ấy.
Nhìn ra một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, chẳng hạn Singapore hay Hồng Kông, những nơi có dân số và diện tích hạn chế, họ thậm chí không có thị trường hàng không nội địa để bám víu, trong khi nguồn thu từ quốc tế thì cạn kiệt. Chúng ta may mắn hơn họ rất nhiều.
Chuyện nào cũng có hai mặt. Đối với doanh nghiệp, một biến cố như Covid đôi khi cũng giúp xốc lại hệ thống, củng cố đội ngũ, tinh thần, và thậm chí tái cơ cấu mạnh mẽ hoạt động. Sự bất trắc vẫn có thể là môi trường thuận lợi cho những ý tưởng mới, những cách làm mới.
Chẳng hạn, ngay giữa thời điểm nhiều hãng hàng không trên thế giới gần như bị “đóng băng”, Bamboo Airways vẫn quyết tâm xúc tiến nhập về Embraer E195 - một dòng máy bay mới, hiện đại, lần đầu tiên được khai thác ở Việt Nam, và quan trọng là rất phù hợp với những đường bay thẳng có đường băng đặc thù như Côn Đảo. Với dòng máy bay này, Bamboo Airways tiếp tục giữ vững tiêu chí phục vụ khách chu đáo nhất với tiện nghi tốt nhất, an toàn nhất, trên mọi đường bay.
“Những ý tưởng mới, những cách làm mới”… Có phải đây là lý do phía sau một số đường bay thẳng khá "lạ" được Bamboo Airways giới thiệu và mở mới gần đây, như Côn Đảo mà ông vừa nhắc đến?
Nói “lạ” thì cũng đúng, vì đây là lần đầu tiên một hãng hàng không Việt Nam mở cùng lúc nhiều như vậy các đường bay thẳng tới Côn Đảo. Nhiều người hỏi tôi, mở nhiều thế thì có lãi không? Hoặc lại hỏi, nếu dễ thì sao lâu nay chẳng ai làm mà lại đợi đến Bamboo?
Tôi chỉ nghĩ đơn giản, đường có là do chúng ta cứ dám đi mà thành. Một truyền thống của người Bamboo cũng như người FLC, là chưa bao giờ ngại việc khó, thậm chí là dám làm việc khó, muốn làm việc khó. Chừng nào còn trì trệ, cạnh tranh còn bị triệt tiêu, thì động lực phát triển còn bị kìm hãm, và thiệt thòi nhất vẫn là người dân, là địa phương, là nền kinh tế.
Chẳng có nguyên do hợp lý nào để một hòn đảo hội tụ đầy đủ tiềm lực phát triển về du lịch, từ cảnh quan thiên nhiên, đến văn hóa, lịch sử, tâm linh, được thế giới công nhận là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất như Côn Đảo, vậy mà năm cao điểm nhất cũng chỉ đón được chưa đầy 400 nghìn lượt khách. Con số khiêm tốn này chưa bằng một phần nhỏ so với hòn đảo Santorini của Hy Lạp với diện tích tương đương.
Tôi nhìn thấy động lực phát triển trước đây của Quy Nhơn, của Sầm Sơn ở Côn Đảo, và chúng tôi kiên định với tiến trình góp phần “đánh thức” những vùng đất tiềm năng về du lịch. Những đường bay này chỉ là một vài trong số nhiều đường bay thẳng sắp tới mà Bamboo Airways đang nghiên cứu thiết lập tại những điểm đến chưa có vị trí xứng tầm trên bản đồ du lịch Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do nút thắt về hàng không.
Giản dị mà nói thì nơi nào có tiềm năng, có nhu cầu, nơi đó chúng tôi mong sẽ có FLC và Bamboo Airways. Trong năm 2020 và 2021, phủ sóng trên quy mô rộng khắp mạng bay nội địa sẽ là một mục tiêu phấn đấu của người Bamboo.
Mục tiêu không thay đổi
Những biến cố có thể dẫn đến những thay đổi và thích ứng. Vậy năm 2020 có khiến Bamboo Airways phải điều chỉnh một chân kiềng nào trong sách lược dài hạn không?
Nhiều khả năng, những dịch chuyển đáng kể trong hành vi, thói quen của hành khách hiện nay sẽ có ảnh hưởng lớn đến thứ tự trong tháp ưu tiên khi lựa chọn bay thời gian tới.
Chẳng hạn thay vì giá thấp, thì các yếu tố như chất lượng phục vụ, thái độ phục vụ, an toàn bay, an toàn sức khỏe, không gian riêng tư, mức độ vệ sinh… sẽ ngày càng được nhiều hành khách đặt lên hàng đầu.
Nhưng đây lại trùng khớp là những giá trị đã làm nên thương hiệu của Bamboo Airways ngay từ những chuyến bay đầu tiên, và chắc chắn vẫn luôn là hệ tiêu chuẩn không thể nhầm lẫn của Bamboo Airways trên thị trường nội địa và quốc tế.
Nên, thay vì phải xoay sở để thích ứng, chúng tôi cứ tiếp tục phát huy những gì mình đang làm tốt nhất.
Trong năm nay, đạt 30% thị phần nội địa vẫn là mục tiêu không thay đổi của Bamboo Airways. Đồng thời, khôi phục hoàn toàn mạng bay nội địa và gia tăng tần suất trên nhiều đường bay du lịch trước nhu cầu đang lên cao.
Đối với mạng bay quốc tế, mọi nguồn lực của Bamboo đã sẵn sàng cho việc khôi phục và mở mới. Các đường bay đi Đài Loan, Hàn Quốc sẽ tái khởi động ngay từ tháng 9, chuẩn bị mở mới nhiều tuyến bay đến Nhật Bản, Singapore, Úc vào quý 4/2020, đến Đức và Anh vào quý 1/2021...