|
Ngành hàng không có cơ hội phục hồi khi mở lại đường bay quốc tế. Ảnh: Hải Linh |
Sẵn sàng “mở cửa bầu trời”
Kế hoạch thí điểm mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với địa bàn có hệ số an toàn cao mà Bộ GTVT xây dựng đã nhận được sự chấp thuận của Chính phủ. Trong cuộc họp diễn ra vào đầu tháng 12/2021 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhận định, khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế không chỉ giúp khắc phục khó khăn cho các DN hàng không, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch mà còn tạo điều kiện cho bà con Việt Nam được về quê hương trong bối cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp đến. Đồng ý với kế hoạch thí điểm mở các đường bay quốc tế thường lệ chở khách từ 1/1/2022, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc mở lại các chuyến bay quốc tế là cần thiết nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Trước đó, Bộ GTVT đã đưa ra 2 phương án khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam theo 2 giai đoạn với thời gian dự kiến bắt đầu thực hiện là từ 15/12/2021.
Theo đó, giai đoạn 1 là thời điểm 2 tuần đầu tiên tính từ thời điểm bắt đầu áp dụng kế hoạch “mở cửa bầu trời”. Trong giai đoạn này sẽ tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường gồm: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc - Đài Loan (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Mỹ).
Một điểm đáng lưu ý là các chuyến bay quốc tế trong thời gian này sẽ về 2 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tần suất hoạt động 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người/tuần).
Giai đoạn 2 thực hiện trong thời gian 1 tháng, kể từ khi kết thúc giai đoạn 1 và dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2022. Trong giai đoạn này, ngoài 9 thị trường nêu trên, Bộ GTVT đề xuất mở thêm các đường bay đi/đến Kuala Lumpur (Malaysia), Hong Kong (Trung Quốc), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Australia), Moscow (Nga).
Ở giai đoạn này, ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các cảng hàng không quốc tế đề xuất tiếp nhận gồm: Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vân Đồn. Tần suất dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 40.000 người/tuần).
Nhiều kỳ vọng
Việc khôi phục chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ nhận được sự chấp thuận của Chính phủ là một sự kiện quan trọng của ngành hàng không. Chỉ còn nửa tháng nữa, “cánh cửa bầu trời” của nước ta sẽ chính thức được mở rộng sau gần 2 năm phải đóng lại vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đây chắc chắn là sự kiện nhận được sự trông đợi, đặc biệt với các hãng hàng không.
Ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hãng luôn sẵn sàng để khai thác bay quốc tế ngay khi được phép. Trong thời gian qua, Vietnam Airlines vẫn đang phối hợp cùng ngành du lịch tổ chức các chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế tới 5 địa phương của Việt Nam. Vietnam Airlines vẫn duy trì đường bay thường lệ tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, nhưng chủ yếu chở khách từ Việt Nam đi và chở hàng hóa.
Ông Lê Hồng Hà khẳng định, trong thời gian qua, tất cả các đại lý cũng như đối tác ở nước ngoài của Vietnam Airlines vẫn được hãng duy trì để khi được bay sẽ phối hợp thông tin, thu hút nguồn khách ổn định.
“Việc Chính phủ đồng ý mở lại đường bay quốc tế từ ngày 1/1/2022 là tín hiệu vui với các hãng hàng không, và sẵn sàng bay ngay khi được phép” - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nói và khẳng định hãng vẫn đang tiếp tục theo dõi và chờ quy định về giám sát y tế với khách nhập cảnh để có định hướng mở thị trường.
Cùng với các DN hàng không, nhiều DN lữ hành của Việt Nam cũng đang rất trông chờ vào thời điểm những chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ được nối lại và mang theo một kỳ vọng lớn về việc sự kiện này sẽ mang tới lực đẩy mạnh mẽ cho ngành du lịch được phục hồi. Đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist nhận định, “mở cửa bầu trời” sẽ là bước khởi đầu tích cực và là điều kiện để cấu thành sản phẩm “tua” du lịch, từ đó việc đón khách quốc tế sẽ nhanh chóng được kích hoạt trở lại.
“Với tình hình kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và thế giới, sắp tới thị trường du lịch quốc tế sẽ có sự phục hồi tốt. Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ kịp thời đón đầu các đoàn khách quốc tế trong thời gian sớm nhất” - đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết.
Đồng quan điểm trên, đại diện Vietravel cho rằng, việc khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ của nước ta dù được cho là chậm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực, nhưng vẫn là động thái tích cực, mang đến nhiều kỳ vọng cho ngành du lịch.
Theo các chuyên gia, nối lại đường bay quốc tế là việc cần phải làm ngay và không thể chậm trễ hơn. Nhất là khi Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang chiến lược mới trong cuộc chiến chống lại Covid-19 là chung sống an toàn với dịch bệnh và vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không khẳng định, khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ vào lúc này là vô cùng cấp thiết, giúp đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy khôi phục du lịch quốc tế và kinh tế. “Điều này không chỉ cần thiết với sự hồi phục của ngành hàng không nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Chúng ta nên cân nhắc mở lại đường bay tới các quốc gia trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Khi những đường bay quốc tế được khôi phục, các nhà đầu tư, giao thương giữa các nước sẽ được thuận lợi hơn. Khi đó chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ hội để thu hút được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo được an toàn phòng dịch cho các chuyến bay. Do đó, chúng ta cần đẩy nhanh áp dụng "hộ chiếu vaccine" đồng thời sớm hoàn thiện quy định hướng dẫn để các hãng hàng không sẵn sàng cho những chuyến bay quốc tế.
"Với đợt dịch thứ 4, tôi cho rằng hệ thống y tế của ta đã tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm. Nếu chúng ta chần chừ sẽ chậm chân, lỡ nhịp khi thị trường hàng không quốc tế đã hồi phục." - Chuyên gia kinh tế - GS.TS Trần Thọ Đạt
"Việc cần quan tâm lúc này là phải chuẩn hóa các quy trình, bao gồm xét nghiệm, vận chuyển, cách ly cũng như những biện pháp phòng, tránh dịch bệnh khác gắn với quá trình di chuyển của các hành khách quốc tế. Từ đó nhằm đảm bảo công tác phòng dịch một cách tốt nhất." - Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong |