Nan giải bài toán giao thông Hà Nội

 
Chia sẻ

Hàng loạt biện pháp đã được TP Hà Nội đưa ra để giải quyết bài toán giao thông nhưng giao thông ở thủ đô vẫn ngày càng bức bối, nảy sinh nhiều vấn đề chưa thể giải quyết

Tính đến thời điểm 1-4-2019, dân số Hà Nội có 8,05 triệu người. Theo ông Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, dân số tăng, phương tiện đi lại tăng theo tạo áp lực rất lớn cho giao thông đô thị.

Xe buýt đang "chết" dần

Hiện nay, CSGT Hà Nội đang quản lý hơn 6,64 triệu phương tiện. Trong đó có 739.731 ôtô và hơn 5,76 triệu xe máy (chiếm 86% phương tiện tham gia giao thông). Con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong những thời gian tới.

Mới đây, kỳ họp HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về "Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ ôtô và phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải".

Nghị quyết nêu rõ TP Hà Nội khuyến khích sử dụng phương tiện VTHKCC khối lượng lớn, ngân sách TP sẽ trợ giá cho người sử dụng. Về cơ chế, TP hỗ trợ 100% phí sử dụng đường bộ, phí cầu đường, bến bãi, bảo hiểm hành khách; hỗ trợ 50% tiền lãi vay ngân hàng trong 5 năm đầu để đầu tư xây dựng hạ tầng VTHKCC và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mục tiêu được sở đưa ra là đến năm 2020, VTHKCC đảm nhận khoảng 15%, đến 2025 đáp ứng 20% nhu cầu đi lại của người dân thủ đô để tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân trên một số tuyến phố, giảm ùn tắc giao thông, cải thiện ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, đến nay VTHKCC trên địa bàn Hà Nội vẫn hoàn toàn dựa vào xe buýt mà chưa có thêm loại hình mới nào. Đường sắt đô thị mới đang xây dựng 2 tuyến là Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội nhưng đều dang dở, đội vốn và chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, đánh giá tăng trưởng VTHKCC ở Hà Nội đang có xu hướng không như mong muốn, 6 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng khách không cao, so với cùng kỳ năm 2018 thì mức tăng trưởng chưa tới 1%. Còn theo ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), có thể nhìn thấy viễn cảnh là xe buýt đang chết dần và nếu không vực loại hình này gượng dậy, tương lai của VTHKCC sẽ không biết đi về đâu.

Nan giai bai toan giao thong Ha Noi - Hinh anh 1
Ùn tắc giao thông là nỗi ám ảnh với người dân Hà Nội nhiều năm qua

"Viễn cảnh ùn tắc giao thông có thể trở thành thảm họa nếu không có giải pháp tức thì và quyết liệt. Đến một lúc nào đó, các phương tiện sẽ xếp hàng nối đuôi nhau trên đường do ùn tắc, bởi lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh, trong khi hạ tầng yếu kém. Vận tải công cộng không phát triển theo đúng quy hoạch và lộ trình đề ra" - ông Nhật lo lắng.

Phải giải quyết đồng bộ

Nhiều năm qua, TP Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết bài toán giao thông nhưng giao thông ở thủ đô vẫn ngày càng bức bối, nảy sinh nhiều vấn đề chưa thể giải quyết.

TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội - cho rằng 8 tuyến đường sắt giao thông đô thị ở Hà Nội đã đặt ra vấn đề từ lâu, nhưng tuyến khởi động sớm nhất là Hà Đông - Cát Linh thì chậm tiến độ nhiều lần, vẫn chưa thể hoạt động. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ quản lý giao thông có hạn. Theo ông Nghiêm, để giải quyết ùn tắc giao thông hiện nay, Hà Nội phải giải quyết đồng bộ hàng loạt vấn đề, trong đó nên khuyến khích các loại hình phương tiện giao thông công cộng quy mô nhỏ.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy khẳng định đường sắt đô thị mới là xương sống của mỗi mạng lưới giao thông đô thị chứ không phải xe buýt. Tàu điện ngầm, đường sắt trên cao có thể vận chuyển được lượng khách lớn và chỉ trả khách trên các điểm dừng ở trục đường lớn. Tiếp đó, hành khách có thể di chuyển bằng xe buýt, taxi tới nơi làm việc hoặc về nhà. Điều đó mới tạo ra sự thống nhất và quy củ nhất về giao thông công cộng. "Xe buýt vẫn chưa phải là phương tiện giao thông công cộng tốt nhất bởi 5 tiêu chí là nhanh, rẻ, an toàn, tiện nghi và độ tin cậy cao chúng ta vẫn làm chưa tới. Chỉ khi nào Hà Nội bảo đảm được các tiêu chí này thì xe buýt mới trở thành lựa chọn ưu tiên của người dân" - ông Thủy nhấn mạnh.

Đề xuất với TP Hà Nội phương án giải quyết giao thông, đại biểu HĐND TP Hà Nội Nguyễn Tiến Minh (Bí thư huyện Thường Tín), nêu rõ TP nên có buýt đường thủy nội địa để du khách đi tàu ngắm được thủ đô. Ông Minh cho rằng Hà Nội hiện có các đường vành đai, đường hướng tâm, các tuyến đường sắt đô thị. TP Hà Nội nên quan tâm đến hình thức kết nối giữa các loại hình giao thông, kết hợp với đề án tăng cường quản lý phương tiện cá nhân. Không nên tăng thêm nhiều xe buýt nữa, bởi tăng thêm là tắc. "Phải đưa thêm loại hình mới vào, như vận tải đường thủy nội địa, đặc biệt là phát triển du lịch 2 bên bờ sông Hồng, ở một số nước cũng có buýt đường thủy. TP nên nghiên cứu thêm việc phát triển vận tải bằng đường hàng không, máy bay trực thăng" - ông Minh đề xuất. 

Theo báo Người lao động

Tin liên quan