|
Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai, hạn chế thiệt hại hạ tầng giao thông mùa mưa bão trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh minh hoạ |
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị chủ động duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ bảo đảm các công trình thoát nước thông thoát, hệ thống báo hiệu đầy đủ, rõ ràng. Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, bão phải bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình, đặc biệt lưu ý các công trình ở miền núi hay có lũ quét đột xuất, đất bão hòa nước dễ bị sụt lở.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện trên các tuyến quốc lộ.
Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thuỷ lợi, hồ chứa nước.
Cục Đường thuỷ nội địa xây dựng phương án ứng phó thiên tai trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đôn đốc các đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa kịp thời sửa chữa, bổ sung triển khai lại hệ thống báo hiệu, phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do bão, mưa lũ gây ra.
Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các cảng vụ hàng hải hướng dẫn tàu thuyền biết tình hình thời tiết cực đoan để không đi vào vùng nguy hiểm khi có áp thấp nhiệt đới, bão; hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn và có các biện pháp bảo đảm an toàn về người, phương tiện khi có tình huống xảy ra, chỉ đạo đảm bảo an toàn cho phương tiện hoạt động vận tải.
Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão để điều chỉnh kế hoạch hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp và bảo đảm an toàn tuyệt đối hoạt động bay.