Không có lựa chọn
Chị Bùi Thuỳ Dung, thuê trọ tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, làm việc tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông thông tin và nói: “Trước đây mỗi ngày tôi đều đi xe buýt đi làm. Hiện không có xe buýt, tôi rất chật vật; lúc thì đi nhờ, lúc phải mượn xe. Xóm trọ của chị có hơn 10 lao động ngoại tỉnh, ở lại Hà Nội trong đợt giãn cách vừa qua, phần nhiều sử dụng xe buýt hàng ngày, mong mỏi mãi đến lúc được đi làm thì lại thiếu phương tiện di chuyển".
Do không có lựa chọn nào khác khi xe buýt, taxi đều đang trong thời gian tạm thời dừng hoạt động, không ít người lao động loay hoay với việc đi lại mỗi ngày, lượng phương tiện cá nhân vì thế cũng gia tăng trên đường phố Hà Nội. Dù học sinh, sinh viên chưa đến lớp, bộ phận không nhỏ cán bộ, người lao động chưa trở lại cơ quan, công xưởng nhưng giờ cao điểm sáng - chiều, nhiều tuyến đường của Hà Nội vẫn rơi vào cảnh ùn tắc giao thông. Đặc biệt là những tuyến có công trình đang thi công như: Tố Hữu - Lê Văn Lương, Hồ Tùng Mậu - Xuân Thuỷ…
|
Ùn tắc giao thông tại Ngã Tư Sở sau khi TP được nới lỏng giãn cách xã hội. |
Chỉ huy Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, mật độ giao thông những ngày qua bắt đầu tăng trở lại. Người dân buộc phải sử dụng xe cá nhân vì xe buýt hay các loại hình vận tải công cộng khác vẫn chưa được hoạt động trở lại. Không chỉ lưu lượng phương tiện tăng mà vi phạm giao thông cũng có dấu hiệu diễn biến phức tạp.
Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, Hà Nội có hơn 1.000 xe buýt, phục vụ người dân đi lại từ nội đến ngoại thành. “Không có xe buýt, dù là đi lại trong nội thành hay từ các huyện, thị xã vào trung tâm và ngược lại, người dân cũng buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân. Hiện người dân đã có thể đi lại thoải mái hơn, việc thiếu phương tiện vận tải công cộng sẽ gây khó khăn không nhỏ”.
Người dân cần xe buýt
Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho hay, từ ngày 21/7 xe buýt đã dừng hoạt động toàn bộ. Vừa qua, TP đã hai lần nới lỏng các biện pháp phòng dịch, cho phép mở lại một phần mảng sản xuất, kinh doanh dịch vụ cũng như các hoạt động dân sinh, tuy nhiên, xe buýt vẫn chua được tái khởi động. “Hiện hầu hết các cán bộ, công nhân làm việc trên các tuyến xe buýt của TP đã được tiêm vắc xin. Các đơn vị khai thác xe buýt và người lao động đều đang rất khó khăn. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ, UBND TP Hà Nội cho phép vận tải hành khách công cộng hoạt động trở lại”.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng đồng tình với kiến nghị này và cho biết, hiện UBND TP đang xem xét các điều kiện cần thiết. Việc cho hoạt động lại các tuyến xe buýt cần cân nhắc kỹ, thận trọng, mục tiêu cao nhất vẫn là đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nếu có hoạt động trở lại cũng chỉ cho phép các tuyến buýt trong nội vùng Hà Nội, buýt kế cận chưa nên tái khởi động.
|
Xe buýt sẽ góp phần tích cực hạn chế ùn tắc, giảm bớt khó khăn đi lại cho người dân. |
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trọng Thông cũng kiến nghị Chính phủ, UBND TP Hà Nội sớm có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 về Ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp và cán bộ, công nhân viên.
Hiện trên địa bàn TP còn có người lao động của một số đơn vị khai thác dịch vụ xe buýt chưa nhận được tiền hỗ trợ, ví dụ như Công ty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến. Lãnh đạo Công ty này cho hay, đã gửi hồ sơ lên cơ quan chức năng và vẫn đang chờ được giải quyết.
Nhiều chuyên gia cho rằng, phương án vận hành lại từng phần mạng lưới xe buýt trong nội vùng Hà Nội là khả thi. Hiện người dân có nhu cầu cao đi làm, đi khám chữa bệnh… Thiếu xe buýt vừa dẫn đến sự gia tăng phương tiện cá nhân, gây ùn tắc giao thông, vừa gây khó khăn cho người dân, nhất là người nghèo.
Tuy nhiên, nếu hoạt động trở lại, đội ngũ nhân viên phục vụ trên xe buýt phải tuân thủ hết sức nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời vận động, nhắc nhở hành khách cùng chấp hành.