Người Hà Nội sang đường như thiêu thân, ngó lơ cầu bộ hành

 
Chia sẻ

Nhiều người đi bộ vẫn “ngó lơ” với những cây cầu bộ hành được đầu tư hiện đại lên đến cả chục tỷ đồng và thản nhiên băng qua đường, bất chấp dòng xe cộ đông đúc, nguy cơ mất ATGT.

Ngó lơ cầu đi bộ

Sáng 16/7, có mặt trước khu vực bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) lúc 8h, PV Báo Giao thông chứng kiến dưới lòng đường 70, hàng trăm người từ phía cổng bệnh viện và ở ngõ đối diện tập hợp thành từng nhóm đông, len lỏi giữa rừng phương tiện, thậm chí băng qua mũi xe tải và xe container để sang đường. Trong khi đó, cây cầu bộ hành được đầu tư hàng tỷ đồng, cách đó chỉ vài bước chân lại bị phớt lờ.

Cô Nguyễn Thị Thon bán hoa quả đối diện với Bệnh viện K cho biết, đã chứng kiến rất nhiều trường hợp va chạm giữa người đi bộ với các phương tiện khác. Người nhẹ bị xước xát ngoài da, có người nặng hơn bị chấn thương phải vào viện.

Tình trạng cũng đang diễn ra tương tự trên trục đường Trần Phú - Nguyễn Trãi. Quan sát của PV, với việc tập trung rất nhiều trung tâm thương mại, các trường đại học lớn, cung đường chưa đầy 4km này được lắp đặt tới 4 cầu đi bộ tại khu vực gần Royal City, trước trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, trước số 473 Nguyễn Trãi, trước Học viện An ninh nhân dân. Tuy nhiên, bấy lâu nay, những chiếc cầu bộ hành gần như bị người dân và hàng nghìn sinh viên ngó lơ, chấp nhận đánh cược tính mạng mỗi lần băng qua đường giữa dòng xe đông đúc.

Theo chị Hà, một cư dân sống tại tòa nhà Fodecon (số 16, đường Trần Phú, Hà Đông), những cây cầu bộ hành không phải lúc nào cũng vắng vẻ. Thường những ngày nắng nóng sẽ có rất đông người qua lại, nhưng không phải lên để đi bộ mà chủ yếu lấy chỗ hóng gió, giải nhiệt. 

Những cây cầu đi bộ trên một số tuyến đường khác như: Phạm Ngọc Thạch, Xuân Thủy, Đại Cồ Việt cũng không thoát khỏi cảnh đìu hiu dù được đầu tư không gian sạch sẽ, có đầy đủ mái che với kinh phí lớn. Trong đó, cầu bộ hành khu vực Trung tâm Chiếu phim quốc gia dù được liên thông thẳng với nhà chờ BRT Láng Hạ, song hành khách sau khi xuống xe vẫn nhất quyết len qua kẽ hở của hàng rào để xuống lòng đường đi tắt sang đường, phớt lờ cây cầu kiên cố, hiện đại ở trước mặt.  

Xử lý người đi bộ vi phạm vẫn khó

Thừa nhận tình trạng người đi bộ không đi lên cầu bộ hành khá phổ biến, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội phó Đội CSGT số 7 nói: “Việc xử lý vi phạm bộ hành rất khó khăn. Người đi bộ vi phạm thường viện đủ lý do, không mang theo giấy tờ tùy thân. Khi đó, muốn xử lý, lực lượng CSGT phải đưa về công an phường sở tại để giải quyết, rất phức tạp”. Trung tá Thắng cho biết thêm: Như tại khu vực Bệnh viện K, người vi phạm chủ yếu là bệnh nhân và người nhà nên lực lượng chức năng cũng chủ yếu tuyên truyền nhắc nhở, không xử phạt.

“Người dân có thói quen rẽ ngang, đi tắt cho tiện. Tại khu vực Bệnh viện K Tân Triều chúng tôi đã đề xuất Sở GTVT Hà Nội làm rào trên vỉa hè để người đi bộ đi lên cầu bộ hành nhiều hơn. Tuy nhiên, họ vẫn không đi theo rào trên vỉa hè cho an toàn”, Trung tá Thắng thông tin thêm.

Tương tự, Thượng úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6 cho biết, từ đầu năm đến nay đội xử lý được 12 trường hợp người đi bộ sai quy định. So với thực tế vi phạm con số này cũng rất thấp. Theo Thượng úy Chinh, việc xử lý người đi bộ chủ yếu vẫn là nhắc nhở. Công tác xử phạt còn gặp nhiều khó khăn do người vi phạm cố tình không hợp tác.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên Đại học GTVT cho biết, các đô thị lớn trên thế giới xây dựng cầu vượt cho người đi bộ khá phổ biến. Việc Hà Nội xây dựng cầu đi bộ nhằm mục đích an toàn cho người đi bộ là hợp lý. Tuy nhiên, cần tính toán việc xây như thế nào cho tiện lợi để ngay cả người sức khỏe yếu, người già, người tàn tật cũng dễ dàng sử dụng thì sẽ hiệu quả và đỡ lãng phí.

Theo Điều 9, Nghị định 46/2016, người đi bộ đi không đúng phần đường quy định, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường… sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 50 - 60 nghìn đồng. Nếu người đi bộ vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; đu bám vào phương tiện giao thông bị phạt tiền 60 - 80 nghìn đồng…

Theo báo Giao thông

Tin liên quan