Nhận diện loại hình xe kinh doanh vận tải

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong khi Bộ GTVT đưa ra đề xuất phân biệt xe kinh doanh vận tải qua màu tem đăng kiểm thì Bộ Công an cũng đề nghị đổi màu biển số xe kinh doanh từ trắng sang vàng để dễ nhận diện và quản lý.

Nhan dien loai hinh xe kinh doanh van tai - Hinh anh 1
Hành khách đi taxi trên một tuyến phố ở Hà Nội. Ảnh: Trần Dũng

Mỗi bộ một quan điểm

 Đề xuất phân biệt xe kinh doanh vận tải qua màu sắc tem đăng kiểm được Bộ GTVT đưa ra từ cuối năm 2019 trong bản hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi trình Chính phủ. Cụ thể, Bộ GTVT đưa ra 3 phương án để nhận diện phương tiện kinh doanh và không kinh doanh vận tải. Phương án thứ nhất là giữ nguyên dấu hiệu nhận biết phương tiện kinh doanh vận tải như hiện nay, tức là thông qua các quy định về cấp phù hiệu, biển hiệu. Phương án thứ hai là nhận diện thông qua màu biển số xe ngay từ khi đăng ký sở hữu phương tiện. Phương án thứ ba là nhận diện thông qua màu tem đăng kiểm. Theo lý giải của Bộ GTVT, việc nhận diện phương tiện kinh doanh và không kinh doanh vận tải rất cần thiết nhằm tạo công bằng trong lĩnh vực này, đồng thời hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc.

Mặc dù đề xuất ra 3 phương án như trên nhưng Bộ GTVT đã tỏ rõ quan điểm nghiêng về phương án nhận diện qua màu tem đăng kiểm. Theo Bộ GTVT, đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn cả so với 2 phương án còn lại. Đó là có thể dễ dàng in thêm mã QR mà không phát sinh thêm chi phí để hỗ trợ nhận diện phương tiện thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh; giúp giảm thời gian kiểm tra giấy tờ, kiểm tra thông tin của phương tiện, xử lý vi phạm hành chính kịp thời, chính xác. Đồng thời không làm phát sinh chi phí cho Nhà nước trong việc cấp lại giấy đăng ký và biển số để nhận diện cũng như tránh được việc DN tùy tiện trong việc gắn hoặc không gắn phù hiệu.

Mới đây nhất, Bộ GTVT tiếp tục có văn bản yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT (về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đường bộ) quy định “màu sắc Tem phân biệt xe ô tô kinh doanh vận tải” với lộ trình triển khai thực hiện cụ thể. Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam còn có trách nhiệm  phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất triển khai nội dung liên quan đến đăng kiểm, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đây được xem là động thái “thúc” tiến độ hiện thực hóa đề xuất phân biệt xe kinh doanh vận tải qua màu sắc tem đăng của Bộ GTVT.

Trên thực tế, Bộ GTVT không phải là đơn vị duy nhất đưa ra ý tưởng về phương án nhận diện xe kinh doanh vận tải. Cuối năm 2019, trong Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 15/2014/TT-BCA về Quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ Công an cũng đã đưa ra đề xuất đổi màu biển số xe kinh doanh để dễ nhận diện và quản lý. Theo đó, các loại xe kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách từ màu nền trắng, chữ đen sang biển số có màu nền vàng cam, chữ số màu đỏ. Hiện, Thông tư 15 của Bộ Công an đang được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành. Nếu được thông qua, thông tư sẽ có hiệu lực trong năm 2020 và lộ trình đổi biển sẽ kéo dài trong một năm.

“2 trong 1”, tại sao không?

Phân tích về đề xuất của Bộ GTVT, ông Nguyễn Thiện Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã có những quy định hướng đến xây dựng các dấu hiệu nhận biết, như với xe taxi, có hộp đèn treo phía trên, logo trên thân xe, phù hiệu dán ở vị trí trước kính lái, lái xe có đồng phục với màu sắc đặc trưng của từng hãng taxi. Phương án phân biệt qua màu tem đăng kiểm cũng không nằm ngoài mục đích xây dựng dấu hiệu nhận biết như vậy. Tuy nhiên, nếu thực hiện được theo phương án mà Bộ Công an đưa ra, tức là phân biệt xe kinh doanh qua màu biển số thì tác dụng sẽ tốt hơn. “Tem nhận biết và kiểm soát vào ban đêm rất là hạn chế trong khi đó, việc đổi biển số đăng ký đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện để phân biệt xe kinh doanh vận tải” – ông Quyền nói.

Mặc dù đánh giá cao đề xuất của Bộ Công an nhưng Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đề xuất phân biệt xe kinh doanh qua màu tem đăng kiểm mà Bộ GTVT đưa ra cũng là một phương án hiệu quả. Do đó, nếu có thể kết hợp được cả hai phương án thì hiệu quả nhận diện và quản lý phương tiện kinh doanh sẽ cao hơn rất nhiều. “Trong điều kiện cần thiết quản lý một cách sâu hơn, cụ thể hơn thì ngoài việc quy định màu sắc biển số xe có thể kết hợp thêm cả màu tem kiểm định. Tức là thực hiện đồng thời cả hai phương án. Như vậy, lực lượng chức năng cũng như người dân dễ dàng nhận biết phương tiện kinh doanh vận tải hay không hơn” – ông Quyền nói.

Quý Nguyễn

Tin liên quan