|
Sau 4 tháng thi công, nhánh phải, nhánh đầu tiên của đường hầm xuyên núi Hạ Long - Cẩm Phả đã thông hầm kỹ thuật. (Ảnh Đỗ Phương) |
Đường hầm là điểm nhấn trên toàn tuyến đường bao biển và đóng vai trò kết nối giữa 2 đô thị lớn là Hạ Long và Cẩm Phả.
Trước đó, hạng mục hầm được triển khai từ tháng 3/2021. Theo đại diện đơn vị thi công, trong quá trình thực hiện, đơn vị gặp nhiều khó khăn do đường hầm đi xuyên qua núi đá vôi, đá không liền khối, kết cấu rời rạc, nhiều đoạn ở sườn núi nên từng phủ (độ dài từ nóc hầm lên tới đỉnh núi) chỉ khoảng 40m… Vì vậy, đơn vị đã phải điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế nên thời gian thực hiện lâu hơn.
Đối với hạng mục hầm trần được thi công theo phương pháp đào trần hố móng, đổ bê tông vỏ hầm, liên kết với hầm chính bằng mối nối không thấm nước và có khả năng biến dạng được. Đồng thời, bổ sung, nâng cấp thiết bị và nhân lực để tổ chức thi công đồng bộ cả 2 phía hầm trong cả 3 ca liên tục để đảm bảo tiến độ công trình.
|
Cán bộ kỹ thuật Công ty Đèo Cả kiểm tra vách đá bị phá. |
Kết quả sau 4 tháng, ngày 11/7, nhánh phải của đường hầm xuyên núi (đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả) đã chính thức được thông.
Theo dự kiến, nhánh trái của đường sẽ tiếp tục được thông vào cuối tháng 7/2021. Theo kế hoạch, tháng 8/2021, nhà thầu sẽ tiến hành hoàn thành tường, vòm ngược và hoàn thành bê tông vỏ hầm vào tháng 5/2022, chính thức nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong tháng 8/2022, đồng bộ cùng tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
|
Dự kiến nhánh trái của đường sẽ được thông vào cuối tháng 7/2021. |
Được biết, đây là đường hầm xuyên núi lớn nhất Quảng Ninh tính đến thời điểm hiện tại và là một trong những đường hầm xuyên núi có nền đường lớn nhất Việt Nam. Công trình do Công ty Đèo Cả chịu trách nhiệm thi công.
Thay vì xẻ núi thì việc đầu tư đường hầm xuyên núi sẽ làm giảm thiểu tác động môi trường, giữ gìn cảnh quan bên bờ Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, giữ vững môi trường của hệ thống núi đá vôi khu vực, hạn chế nguy cơ sạt lở đất đá.