Nhiều nhân viên không thể đi làm, doanh nghiệp sân bay “méo mặt”

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Do không có giấy xét nghiệm Covid-19, rất nhiều nhân viên sân bay đang làm việc tại Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Nội Bài đã không thể qua các chốt kiểm soát để đi làm.

Nhieu nhan vien khong the di lam, doanh nghiep san bay “meo mat” - Hinh anh 1
 Nhiều DN ở sân bay Nội Bài "méo mặt" vì nhân viên không thể đi làm.

Không qua được chốt kiểm soát để đi làm

Trong những ngày qua, một số doanh nghiệp (DN) làm việc tại Cảng HKQT Nội Bài phản ánh việc nhiều nhân viên của họ không thể đi làm vì gặp vướng mắc tại các chốt phòng, chống Covid-19 trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Đơn cử như Công ty CP Suất ăn hàng không Nội Bài. Đại diện DN này cho biết, đã nhận được rất nhiều phản ánh của nhân viên rằng họ không thể đi làm vì không có giấy xét nghiệm Covid-19.
Đây cũng là tình trạng đang diễn ra tại Công ty TNHH một thành viên Kỹ thuật thuật máy bay cũng như Công ty CP Dịch vụ hàng hoá hàng không Nội Bài.
Lãnh đạo các DN này cho biết, theo yêu cầu của các chốt phòng, chống Covid-19 trên địa bàn huyện Sóc Sơn thì muốn qua được các chốt chặn để đi làm, nhân viên của họ bắt buộc phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, mỗi giấy xét nghiệm PCR Covid-19 chỉ có giá trị trong vòng 72 giờ. Điều này có nghĩa là cứ 3 ngày thì những nhân viên làm việc tại sân bay Nội Bài sẽ lại phải thực hiện xét nghiệm PCR Covid-19 một lần.
Đại diện Công ty CP Suất ăn hàng không Nội Bài cho rằng, việc phải tiến hành xét nghiệm PCR Covid-19 3 ngày/lần sẽ khiến nhân viên của họ chịu tốn kém rất lớn. Trong khi đó, toàn bộ nhân viên của DN này khi đi làm đều đã được cấp giấy đi đường theo đúng mẫu của UBND TP Hà Nội kèm theo kế hoạch sản xuất. “Nếu 3 ngày phải đi lấy mẫu xét nghiệm một lần, một tháng phát sinh thêm mấy trăm triệu phải xét nghiệm” - Đại diện Công ty CP Suất ăn hàng không Nội Bài nói.

Nhieu nhan vien khong the di lam, doanh nghiep san bay “meo mat” - Hinh anh 2
Một chốt kiểm soát phòng, chống Covid-19 tại huyện Sóc Sơn. Ảnh minh họa

Cần cơ chế linh hoạt

Theo tìm hiểu của PV, vấn đề mà các DN tại sân bay Nội Bài phản ánh trên thực tế nằm trong Văn bản số 2050 của UBND huyện Sóc Sơn về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp Nội Bài.
Theo văn bản này thì người lao động của DN đã đăng ký trong kế hoạch sản xuất sinh sống trên địa bàn các quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội (bao gồm chuyên gia nước ngoài, quản lý trực tiếp, công nhân...) khi đến làm việc tại địa bàn huyện phải đảm bảo có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS- CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu).
Theo phân tích của Phó Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc Nguyễn Thị Thanh Phương thì nội dung trong văn bản chỉ áp dụng với các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp. Còn thực tế thì các nhân viên sân bay cũng bị quay đầu xe vì không có giấy xét nghiệm âm tính. “Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các DN. Chúng tôi đang tích cực làm việc với UBND huyện Sóc Sơn về vấn đề này” – bà Nguyễn Thị Thanh Phương cho hay.
Trao đổi với PV Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia hàng không cho rằng, sự xuất hiện của các chốt kiểm soát để phòng, chống Covid-19 tại các địa phương là rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, với mục tiêu vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, không để các chuỗi sản xuất bị đứt gãy như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì yêu cầu thủ tục tại các chốt kiểm soát cũng cần có sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện của những đối tượng khác nhau. “Vấn đề giấy xét nghiệm Covid-19 để qua được những chốt kiểm soát đã gây ra tình trạng tắc nghẽn hàng hóa trên bộ. Sau đó với giải pháp “luồng xanh” thì vận tải hàng hóa mới được dần thông thoáng trở lại. Đây là bài học nhãn tiền đối với nhiều lĩnh vực khác” – chuyên gia Nguyễn Thiện Tống nói.
Theo chuyên gia hàng không này thì các DN cần được ưu tiên để họ có điều kiện đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, vấn đề giấy tờ để qua các chốt kiểm dịch, trong đó có giấy xét nghiệm Covid-19 cần có một cơ chế phù hợp sao cho vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch mà không gây ra phiền hà, khó khăn không cần thiết cho DN. “Áp dụng cơ chế hậu kiểm như đang thực hiện với “luồng xanh” của vận tải hàng hóa đường bộ là một gợi ý. Hoặc cơ quan chức năng các địa phương có thể đưa ra một phương án phù hợp để giúp DN chủ động hơn trong việc xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên, từ đó tránh tốn kém tiền bạc và thời gian cho DN cũng như người lao động” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định.

Tin liên quan