Dân số Hải Phòng hiện nay là hơn 2 triệu người, đứng thứ 7 cả nước với tốc độ tăng dân số 0.99% /1 năm. Số lượng phương tiện đường bộ cũng vì vậy mà tăng theo chóng mặt. 06 tháng cuối năm 2019 số lượng đăng ký phương tiện tăng 200% so với 06 tháng đầu năm.
Cơ sở hạ tầng tuy đang được sửa chữa nâng cấp nhưng chưa thể đáp ứng hết với tốc độ tăng trưởng này. Tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm trên một số tuyến phố xảy ra thường xuyên như ngã ba Tô Hiệu – Hàng Kênh, Đường vòng Cầu Niệm – Trần Nguyên Hãn,Ngã tư Mê Linh – Trần Phú, khu vực chắn tầu Trần Nguyễn Hãn – Hai Bà Trưng…Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những việc này?
Thứ nhất là lượng phương tiện cá nhân tăng lên một cách chóng mặt, với việc kinh tế khởi sắc như hiện nay thì một người có một vài chiếc xe không phải là chuyện hiếm gặp. Các phương tiện công cộng thì không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, chất lượng phương tiện thì cũ, nát hay hư hỏng và không đảm bảo chất lượng môi trường.
Ý thức tham gia giao thông của một số bộ phận người dân chưa cao, nhất là vào giờ cao điểm. Sẵn sàng vi phạm để được thuận tiện cho bản thân mình nhưng lại gây hậu quả cho bao nhiêu người tham gia giao thông khác. Các lỗi thường nhìn thấy nhất là: Đi sai làn đường, phần đường, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, đi xe trên hè phố, đi xe dàn hàng ngang…Những điều tưởng như thuộc về cá nhân nhưng vô hình chung khi nhiều người cùng thực hiện thì kéo theo cả một tuyến đường xảy ùn tắc.
Việc tổ chức giao thông chưa hợp lý cùng với đó là việc lắp đặt các loại biển báo giao thông sai quy chuẩn khiến cho việc đi lại của người dân bị hạn chế cũng như lực lượng chức năng không thể xử lý dẫn đến tình trạng vi phạm diễn ra công khai, ngang nhiên với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Có thể kể đến một số tuyến đường như: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tôn Đức Thắng. Đây là tuyến đường có nhiều phương tiện xe contener, xe tải qua lại tập nập, tuy có vạch kẻ phân làn đường và biển phân làn đường nhưng các phương tiện ô tô vẫn đi tràn vào phần đường dành cho xe mô tô. Các lực lượng chức năng mà cụ thể là Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hải Phòng đã nhiều lần tiến hành xử lý nhưng vấp phải sự chống đối quyết liệt, những người vi phạm này cự cãi, vin vào cớ biển báo và vạch kẻ đường sai quy chuẩn nên không chấp nhận lỗi, viết đơn kiện cáo gây áp lực cho lực lượng CSGT. Hay như tại khu vực đường Trần Phú, Quang Trung, Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Văn Thụ…nơi có rất nhiều trường học các cấp, hiện tượng phụ huynh đón con đứng tràn xuống lòng đường là không hiếm gặp.
Một số phụ huynh và người dân ngang nhiên đỗ xe chiếm dụng lòng đường mặc dù đã có biển báo cấm dừng, cấm đỗ, khiến cho việc đi lại của người dân lúc giờ tan học là vô cùng khó khăn. Lực lượng CSGT cũng chỉ biết nhắc nhở mà không thể đưa ra biện pháp xử lý vì đơn giản biển báo tại đây cũng “không đạt chuẩn”. Chưa hết, trên các trang mạng xã hội thành lập các hội, nhóm với mục đích giúp đỡ nhau tránh chốt kiểm tra của CSGT, tìm cách đối phó khi bị lực lượng chức năng kiểm tra.
Thời gian gần đây khi nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ và luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực và dần đi vào cuộc sống, những điều chúng ta nhận thấy là gì? Với mức phạt nặng và có tính răn đe cao khiến lượng người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông giảm đáng kể, số lượng các vụ TNGT, số người chết, số người bị thương do rượu bia đều giảm, đem lại sự bình yên trong cuộc sống, hiệu ứng lan tỏa là không hề nhỏ.
Thiết nghĩ, nếu những việc tổ chức giao thông của Hải Phòng cũng cần phải làm quyết liệt và hiệu quả như việc kiểm tra xử lý nồng độ cồn thì người dân Hải Phòng cũng sẽ bớt được nỗi lo xảy ra TNGT, khi tham gia giao thông hàng ngày. Đơn vị trực tiếp quản lý và vận hành các hệ thống biển báo, vạch kẻ đường liệu có nắm bắt được những vấn đề này hay không? Rất mong các cơ quan chức năng sớm có câu trả lời cũng như có hành động cụ thể để người dân yên tâm tham gia giao thông.