2 lần xuôi, ngược
Chú bé 1 tuổi Giàng A Đệ nép vào lòng mẹ, vừa lạ lẫm xen lẫn tò mò khi trông thấy ống kính máy ảnh, A Đệ còn quá non nớt để biết mình là một trong những người đang thực hiện hành trình vô cùng đặc biệt. Là người dân tộc Mông ở Sơn La, bố mẹ làm công nhân một nhà máy may trong khu công nghiệp, 6 tháng trước, Giàng A Đệ được bố Giàng A Măng đưa đi cùng vào Bình Dương. Nhưng chuyến khứ hồi tới sớm hơn dự định khi dịch Covid ào đến. Mất việc, cuộc sống khốn đốn, vợ chồng con cái lại dắt díu nhau trở về với quê nhà. “Tôi đưa con về với ruộng nương và sẽ không đi xa nữa”, anh Giàng A Măng nói.
Không có phương tiện, gia đình 3 người bắt đầu đi bộ rời Bình Dương từ ngày 2/10, sau 4 ngày di chuyển, liên tục chuyển từ xe này qua xe khác do các tỉnh hỗ trợ, đêm 6/10 ra tới Hà Nội với chặng đường gần 1.700km. Dù đã vô cùng mệt mỏi, nhưng nỗi đau đáu được trở về với thôn làng còn lớn hơn, nên anh sẽ cùng vợ và con lên ngay chuyến xe buýt của Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) huy động tới chốt kiểm soát và tiếp tục di chuyển quãng đường 300km còn lại. Trong hàng nghìn người hồi hương, có không ít đứa trẻ giống như Giàng A Đệ đang ngược đường trở về các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái..
|
Cậu bé Giàng A Đệ tò mò với ống kính máy ảnh. |
Ở một góc khác, Mùa Thị Pay (20 tuổi quê Sơn La) một tay giữ nguyên bình sữa vừa được cán bộ y tế tại chốt cầu Giẽ pha giúp, tay còn lại vỗ nhè nhẹ đứa con nhỏ còn đang ngủ oặt ẹo. Tháng 2/2021, Pay địu con theo chồng vào Bình Dương tìm cuộc sống mới, khi đó đứa bé Sùng Thị Soang mới vừa đầy 1 tháng. Vài tháng ngắn ngủi chưa đủ để Pay rành rẽ tiếng Kinh, mỗi câu hỏi, cô phải hỏi lại vài lần mới có trả lời. “Chồng chở em đi xe máy từ Bình Dương ra hôm 2/10, đến đây thì các anh ấy (cán bộ chốt kiểm soát cầu Giẽ - PV) bảo nếu mệt thì gửi xe máy để đi ô tô. Em mừng lắm”, Pay chia sẻ.
|
Mùa Thị Pay, nhân công mất việc trong đoàn người hồi hương từ vùng dịch phía Nam. |
|
Mới 9 tháng tuổi nhưng bé Sùng Thị Soang đã 2 lần theo mẹ xuôi, ngược chặng đường 2.000km. |
Gần 00 giờ, thời điểm những chiếc xe buýt chuẩn bị chuyển bánh, cả trăm người chung cảnh ngộ như gia đình Giàng A Măng, Mùa Thị Pay lập cập leo lên xe. Khi đã ổn định chỗ ngồi, cô bé sinh năm 2014, quê Lai Châu – Dì Thị Minh Phường thỏ thẻ, “Con chào Hà Nội”.
|
Một gia đình đợi xe buýt đưa qua địa phận Hà Nội để về Lai Châu. |
|
Những đứa trẻ lẫn trong đoàn người hồi hương. |
Chung tay tiếp sức
Với phương châm không để ai lại phía sau, các cơ quan, đoàn thể TP Hà Nội cùng sự góp sức của những tổ chức thiện nguyện đã chung tay hỗ trợ, góp sức giúp đồng bào an tâm hơn trong chặng cuối của cuộc hồi hương lịch sử.
Từ 18 giờ ngày 5/10 đến 14 giờ ngày 6/10, Công an TP Hà Nội đã triển khai lực lượng, phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm soát y tế và giám sát, dẫn 11 đoàn người di chuyển bằng xe gắn máy từ miền Nam để về quê ở các tỉnh phía Bắc qua địa phận TP Hà Nội. Cụ thể, 10 đoàn từ chốt Cầu Giẽ (Phú Xuyên) đi theo hướng đường quốc lộ 1A cũ - đường Vành đai 3 (bên dưới) - quốc lộ 32, hướng cầu Trung Hà để sang tỉnh Vĩnh Phúc; 1 đoàn từ chốt Cầu Giẽ (Phú Xuyên) đi theo hướng đường quốc lộ 1A cũ - địa bàn quận Hoàng Mai - cầu Thanh Trì - huyện Gia Lâm để sang tỉnh Bắc Ninh. Trong ngày 6/10, 15 xe buýt của Transerco cũng được điều động để phục vụ người dân.
|
Xe dẫn đoàn do đội CSGT số 4 đưa dòng người qua chốt kiểm soát số 17 cầu Trung Hà. |
Theo ghi nhận của PV Giaothonghanoi, lực lượng chức năng TP Hà Nội thực hiện nhiệm vụ tại chốt cầu Giẽ đã làm việc xuyên đêm để đảm bảo người dân nhanh chóng được di chuyển. Tại chốt, cán bộ, chiến sỹ CSGT – Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) liên tục cập nhật giờ đoàn đến, chuẩn bị phương án dẫn đoàn, vận chuyển người, phương tiện; lực lượng TTGT – Sở GTVT thực hiện phân làn xe; các cán bộ y tế tổ chức phân nhóm người về theo địa phương để đưa vào lộ trình đã đặt sẵn.
|
Xuyên đêm hỗ trợ người dân. |
|
Hướng dẫn những người đi xe máy di chuyển theo hướng có xe dẫn. |
Đặc biệt, do có nhiều xe máy đã bị hư hỏng, người dân mệt mỏi khi đến chốt kiểm soát, lực lượng CSGT đã sử dụng xe chuyên dụng để vận chuyển những xe này đến địa điểm cầu Trung Hà. Những gia đình bị hỏng xe, có con nhỏ sẽ được ưu tiên ngồi xe buýt khi đi qua địa phận Hà Nội để đảm bảo an toàn. Khoảng 4 giờ sáng 7/10, vẫn có đoàn lớn gồm xấp xỉ 1.000 người di chuyển về chốt ngã 3 cầu Giẽ.
|
Một đứa trẻ về quê cùng mẹ và chị. |
|
Hàng nghìn người qua Hà Nội trong 2 ngày 5-6/10. |
Tận mắt chứng kiến cảnh chồng chở vợ cùng hai con nhỏ, hành trang về quê chỉ gồm vài bộ quần áo, chai nước, hộp sữa... Chị Đoàn Thu Trang, cán bộ y tế huyện Phú Xuyên không kìm được cảm xúc, “Tôi mong rằng đây sẽ là những hình ảnh cuối cùng và không bao giờ phải gặp lại một lần nào nữa”.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – TP Hà Nội cho biết, “Được sự quan tâm của lãnh đạo TP, Mặt trận Tổ quốc TP cũng tới hỗ một số nhu yếu phẩm để giúp bà con cảm thấy ấm lòng hơn, nhất là khi phải đi một chặng đường dài như vậy”.