|
Theo Bộ Tài chính, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe môtô, xe máy được căn cứ theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ. |
Theo Bộ Tài chính, về cơ sở pháp lý, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe môtô, xe máy được căn cứ theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ.
Bộ Tài chính cho biết theo số liệu thống kê, số vụ tai nạn giao thông do môtô 2 bánh, xe gắn máy, xe máy chiếm tỷ lệ khoảng 70% trong tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Hậu quả tai nạn giao thông đã gây ra thiệt hại không chỉ đối với nạn nhân (về sức khoẻ, tính mạng, tài sản) mà còn đối với cả chủ xe (chi trả bồi thường, thiệt hại về gián đoạn kinh doanh, chi phí pháp lý), gây ảnh hưởng chung đến toàn xã hội.
Do đó, nhằm phát huy vai trò, ý nghĩa xã hội và tính nhân đạo của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, từ năm 1988, Chính phủ cũng đã quy định loại hình bảo hiểm này là loại hình bảo hiểm bắt buộc và lần lượt ban hành các Nghị định liên quan vấn đề này. Bộ Tài chính cho biết nhiều nước trên thế giới cũng triển khai loại hình bảo hiểm này với hình thức bắt buộc.
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai tại các nước trên thế giới, Bộ Tài chính cho biết, xuất phát từ lợi ích chung của xã hội cũng như của từng thành viên trong cộng đồng, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được quy định đầu tiên tại Anh quốc năm 1930, theo sau tại Đức năm 1939 và hiện nay được triển khai tại hầu hết các nước trên thế giới.
Theo đó, hình thức này được đánh giá là một trong số các giải pháp hữu hiệu hỗ trợ tài chính giúp cho chủ xe và người bị tại nạn khắc phục thiệt hại nhanh chóng ổn định cuộc sống khi không may xảy ra tai nạn giao thông , góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tế thực hiện thời gian qua; nhằm cắt giảm thủ tục, tăng cường tạm ứng bồi thường, giải quyết bồi thường bảo hiểm và tạo thuận lợi về thực hiện bảo hiếm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; trong đó, bao gồm cả xe môtô 2 bánh, xe gắn máy cho người dân, ngày 15/1/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ.
Nghị định 03 sửa đổi, bổ sung các quy định về tăng cường tạm ứng bồi thường, cắt giảm hồ sơ bồi thường, đẩy mạnh giải quyết bời thường; quy định rõ trách nhiệm cung cấp hồ sơ bồi thường bảo hiểm của các bên, thời hạn thanh toán bồi thường. Theo đó, nếu tai nạn không gây tử vong, các bên không cần thu thập tài liệu từ cơ quan công an, doanh nghiệp chỉ cần lập biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại trước khi tiến hành chi trả bồi thường với sự thống nhất của bên mua bảo hiểm.
Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Mức tạm ứng từ 10-70% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định.