Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phản đối làm cáp treo vượt sông Hồng

 
Chia sẻ

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng việc nghiên cứu làm cáp treo vượt sông Hồng vào thời điểm này là chưa phù hợp.

Ngày 8/6 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã tiếp và lắng nghe đề xuất của đại diện Tập đoàn POMA về việc xây dựng tuyến cáp treo vượt sông Hồng với chiều dài hơn 5km.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Đại diện của POMA đã nêu ý tưởng xây dựng tuyến cáp treo vượt sông từ Bến Nứa (Bến xe Long Biên) kéo dài đến Bến xe Gia Lâm, chạy dọc theo cầu Long Biên, nhằm phục vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC).

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, Sở rất ghi nhận và cảm ơn sự quan tâm của Tập đoàn POMA đến TP trong lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GTVT cho biết, việc xây dựng tuyền cáp treo vượt sông Hồng vào thời điểm này là không phù hợp.

Ông Tuấn thông tin: “Theo các đồ án quy hoạch như: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259; Quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 519; Quy hoạch các phân khu đô thị gần khu vực nghiên cứu cũng như quy hoạch VTHKCC đều không đề cập đến loại hình VTHKCC bằng cáp treo như nhà đầu tư đề xuất”.

Hơn nữa, hướng tuyến cáp treo do nhà đầu tư đề xuất, gần trùng với hướng tuyến của tuyến đường sắt đô thị số 1, gần cầu Long Biên và Chương Dương hiện nay, gây ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực. Mặt khác, xây dựng cáp treo vận chuyển khách nếu không kết hợp du lịch bãi giữa sông Hồng thì dự án không khả thi.

Không chỉ Hà Nội mà vừa qua, TP Hội An (Quảng Nam) cũng đã “nói không” với đề xuất làm cáp treo vượt sông Thu Bồn của một Tập đoàn tư nhân. Được biết, DN này cũng giới thiệu sử dụng công nghệ cáp treo của Tập đoàn POMA.

Theo đề xuất của Tập đoàn POMA, tuyến cáp treo vượt sông Hồng được đề xuất dự kiến có 3 nhà chờ khác nhau, năng lực vận chuyển 4.000 người/giờ/chiều; suất đầu tư khoảng 10 - 15 triệu Euro/1km; thời gian thi công từ 18 - 24 tháng.

Thời gian qua cũng đã có nhiều ý kiến chuyên gia phản biện, cho rằng đề xuất này là thiếu thực tế, bởi loại hình cáp treo chỉ phù hợp với hoạt động du lịch tại các vùng đồi núi hiểm trở, không phát huy tác dụng đối với VTHKCC.

Minh Tường

Tin liên quan