Gánh nặng của những người ở lại
Đã hơn 1 năm kể từ ngày anh Nguyễn Duy Trình, sinh năm 1982, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre mất vì TNGT, cũng là những tháng ngày lao đao của vợ và 3 đứa con nhỏ. Vụ tai nạn xảy ra sau buổi tiệc vui ngày 03/9/2018, a đã điều khiển xe mô tô va chạm với 2 xe mô tô chạy ngược chiều, anh Trình tử vong trên đường đi cấp cứu. “Sự ra đi của anh Trình đột ngột quá, làm cuộc sống gia đình bị đảo lộn”, chị Nguyễn Thị Kim Loan vợ anh Trình tâm sự. Anh Trình là lao động chính trong gia đình, nhà thuộc diện hộ nghèo không có đất canh tác, anh mất, vợ con anh mất đi trụ cột gia đình.
Lúc anh Trình mất đứa còn nhỏ mớ sinh được vài tháng, khi nghe tin anh Trình mất tôi muốn ngất đi. Giờ thì còn mình tôi phải chăm sóc 3 con, đứa lớn học lớp 6, đứa kế học lớp 3 và bé nhỏ được 3 tuổi. Lúc đầu các cháu cũng rất buồn vì mất cha nhưng dần dần được ông bà, hàng xóm động viện các cháu cũng nguôi ngoai phấn đấu học. Vừa rồi, 2 đứa con lớn của tôi cũng được Ủy ban ATGT quốc gia chọn để trao 2 suất học bổng (4 triệu đồng/1 suất) để hỗ trợ một phần cho việc học của các cháu.
|
Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Loan vợ anh Trình có cuộc sống khó khăn sau khi anh mất đi. |
Chúng tôi về Thạnh Hải, Thạnh Phú thăm gia đình chị Bùi Thị Thu Thủy, 3 năm rồi, nỗi đau mất con dày vò chị. Hôm đó là ngày thi cuối cùng của kỳ thi học kỳ 2 của con chị - Nguyễn Bùi Vĩnh Xuyên. Trên đường đi học về thì cháu bị TNGT do một thanh niên đã sử dụng rượu, bia gây ra. Chị Thủy kể: “Lúc đó tôi đang ở nhà thì có chị hàng xóm chạy đến báo con tôi bị tai nạn, khi ra tới nơi thì thấy con tôi đầu bị chảy máu, nằm im bất động. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng con tôi lại ra đi khi chỉ mới 16 tuổi như vậy…” Xuyên mất khi còn rất trẻ, bỏ lại bao ước mơ còn dang dở.
Đảm bảo trật tự an toàn giao thông – trách nhiệm của mỗi người
Hàng năm, trong xã hội lại có thêm hàng trăm, hàng ngàn nỗi đau như vậy. Hậu quả sau TNGT, nhẹ thì phương tiện hư hỏng, sây sát tay chân, nặng thì ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Có những trường hợp bị tai nạn giao thông bị thương nặng phải sống đời sống thực vật hàng chục năm tạo thành một gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Để cùng nhau chia sẻ nỗi đau cho các gia đình có người thân bị tai nạn giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh đã cùng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể các cấp chi kinh phí hằng trăm triệu đồng để chi hỗ trợ gia đình những người bị tử vong, bị thương trong các vụ tai nạn giao thông và các hoạt động hưởng ứng "Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT". Qua đó, để mọi người cùng nhau thấy được hậu quả của tai nạn giao thông và cùng "lên án" bằng những hành động thiết thực để cùng nhau hưởng ứng, xây dựng một xã hội văn hóa, an toàn giao thông.
Ông Cao Văn Phong – Chánh văn phòng, Ban An toàn giao thông tỉnh Bến Tre cho biết: Trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bên cạnh công tác chuyên môn thì công tác tổ chức các hoạt động tuyên truyền về hậu quả TNGT, chăm lo cho gia đình có người thân bị TNGT luôn được Lãnh đạo các cấp đặc quan tâm. Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức thăm, tặng quà cho các gia đình có người thân bị TNGT nhằm chia sẻ nỗi đau với các gia đình. Đặc biệt trong năm nay, chúng tôi đã lập danh sách và đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tặng 15 suất học bổng, mỗi suất là 04 triệu đồng cho 15 con, em của các gia đình có người thân bị tai nạn để hỗ trợ thêm một phần kinh phí cho các cháu tiếp tục học tập.
|
Hình ảnh người tham gia giao thông còn thờ ơ với an toàn giao thông. |
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông Thượng tá Võ Văn Nghĩa, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bến Tre cho biết: Hằng năm trong công tác đơn vị đã triển khai thực hiện, chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là các tổ chức thành viên Ban An toàn giao thông các cấp để cùng nhau thực hiện các chương trình, giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông. Phần lớn được sự quan tâm ủng hộ rất cao từ phía các ngành, các cấp, đặc biệt là các tổ chức thành viên ban An toàn giao thông từ đó tai nạn giao thông được kiềm chế và kéo giảm trên cả ba tiêu chí so với cùng kỳ, liền kề.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật trên lĩnh vực giao thông còn xảy ra nhiều; số người tử vong, số người bị thương và thiệt hại tài sản do tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao. Trung bình mỗi năm, thông qua công tác tuần tra kiểm soát lực lượng CSGT toàn tỉnh Bến Tre đã phát hiện, xử lý khoảng 40.000 trường hợp vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ và đường thủy. Đây là những hành vi nguy hiểm nếu không ngăn chặn, xử lý kịp thời thì nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn rất dễ xảy ra.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bến Tre, trong 9 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 151 vụ tai nạn giao thông, làm chết 106 người, bị thương 69 người, tài sản thiệt hại khoảng 362 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2018 tai nạn giao thông giảm 35 vụ = 18,82%, giảm 46 người chết = 30,26%, giảm 12 người bị thương = 14,81%, tài sản thiệt hại tăng khoảng 57 triệu đồng. Đã phát hiện khoảng 38.151 trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông, trong đó có khoảng 11.186 trường hợp người tham gia giao thông không có giấy phép lái xe; 6.517 trường hợp vi phạm có nồng độ cồn trong người vượt quá mức cho phép; 5.527 trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm 5.527; chạy quá tốc độ quy định 1.671 trường hợp.
Trong thời gian tới, để giảm bớt TNGT, để không còn nữa các nỗi đau do TNGT để lại, cần hơn nữa sự chung tay, vào cuộc của các ngành, các cấp và người tham gia giao thông trong việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa, hạn chế thấp nhất vi phạm và tai nạn giao thông xảy ra. Mỗi người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật để tự bảo vệ mình và đảm bảo an toàn cho người khác, cùng chung tay để giữ gìn môi trường giao thông an toàn cho cộng đồng.