Taxi Sông Nhuệ “bắt chẹt” Bệnh viện K

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đưa xe vào viện quay vòng, chèo kéo khách, chiếm sảnh chờ ưu tiên làm chỗ đỗ, mang xe chặn cổng, bịt lối vào…, đó là cách mà hãng taxi Sông Nhuệ đang hành xử với Bệnh viện K, cơ sở 3, Tân Triều (Thanh Trì).

Taxi Song Nhue “bat chet” Benh vien K - Hinh anh 1
Taxi Sông Nhuệ ngang ngược xếp nốt, tài xế mời chào khách tại sảnh chờ dành cho xe ưu tiên. Ảnh: Ngọc Hải

Ngang ngược hết mức

 Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện K, cơ sở 3, bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh cho biết, Bệnh viện có ký hợp đồng cho taxi của hãng Sông Nhuệ vào phục vụ bệnh nhân, hành khách trong khuôn viên từ năm 2013. “Gần đây, chất lượng dịch vụ của taxi Sông Nhuệ ngày càng đi xuống. Lái xe thường xuyên chèo kéo khiến hành khách khó chịu; mà chỉ nhận cuốc đi xa, không đi gần, khiến bệnh nhân và người nhà bức xúc” - ông Tĩnh cho hay. Vì không đảm bảo chất lượng dịch vụ nên cuối tháng 3 vừa qua, hết hạn hợp đồng, Taxi Sông Nhuệ đã không được Bệnh viện K tái ký. Cũng từ thời điểm đó, bệnh viện đã gặp hàng loạt phiền toái với hãng taxi này.

Ghi nhận tại Bệnh viện K, cơ sở 3, trong nhiều ngày qua cho thấy, tại đây, có hàng chục chiếc Taxi Sông Nhuệ thường trực. Các xe này nối đuôi nhau đi từ ngoài đường vào qua sảnh chờ dành cho xe ưu tiên, xe cấp cứu để chào mời khách. Dù là khu vực ưu tiên, đã có biển cấm dừng đỗ, nhưng sảnh chờ lúc nào cũng có từ 3 - 6 xe Taxi Sông Nhuệ nối đuôi, xếp hàng nằm lì hoặc “lê lết” kiểu rùa bò.

hậm chí nhiều tài xế còn bỏ xe ra ngoài đi theo mời mọc, gây khó chịu cho bệnh nhân và người dân. Không mời được khách, các xe lại vòng ra cổng rồi tiếp tục quay vào, lặp lại quãng đường “rùa bò” trong sân bệnh viện. Cứ như vậy, hết loạt xe này tới loạt xe khác quần thảo từ sáng tới tối. Cả khoảng sân bệnh viện lúc nào cũng ồn ào, căng thẳng, mất an ninh trật tự, náo loạn như một cái bến xe riêng của Taxi Sông Nhuệ.

Ngày 3/5 vừa qua, lấy lý do không đồng tình với khoản thu phí 10.000 đồng ra - vào của bệnh viện, hàng chục chiếc Taxi Sông Nhuệ đã kéo nhau chặn cứng cổng, ngăn cản mọi phương tiện và người dân ra vào bệnh viện trong nhiều tiếng đồng hồ. Phải khi Công an huyện Thanh Trì tới giải quyết, hãng này mới giải tán xe, trả lại cổng ra vào cho các bệnh nhân và người dân.

Ngậm ngùi chịu trận

 Thương hiệu Taxi Sông Nhuệ hiện thuộc sở hữu của Công ty CP Thương mại dịch vụ Thành Công, do ông Phạm Văn Anh làm Chủ tịch HĐQT. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Văn Anh thản nhiên cho biết: “Khi có khách đặt xe, nhân viên tổng đài gọi trên bộ đàm, nhiều xe của chúng tôi cùng vào viện để đón. Xe nào không đón được lại vòng ra”. Còn các hiện tượng tài xế chèo kéo khách, bỏ xe giữa sân, mang xe chặn cổng bệnh viện, gây cản trở đi lại… ông Phạm Văn Anh không thừa nhận. Vị này cũng cho hay, không nhận được thông tin từ phía công an hay bất kỳ cơ quan chức năng nào về việc xe taxi của hãng đỗ chặn cổng Bệnh viện K (?).

Đội trưởng Đội bảo vệ, Bệnh viện K, cơ sở 3, Nguyễn Văn Hưng ngậm ngùi nói: “Chúng tôi buộc phải cho xe của Taxi Sông Nhuệ vào, vì không cho thì họ lại chặn cổng, dọa nạt”. Trong những ngày ghi nhận tại Bệnh viện K, phóng viên đã chứng kiến cảnh Taxi Sông Nhuệ ngang nhiên ra - vào, dừng đỗ mời mọc khách như không hề có mặt lực lượng bảo vệ. Thậm chí có cả công an túc trực cũng không ai “dám” nhắc nhở hay ý kiến gì, như thể sân Bệnh viện K là lãnh địa riêng của hãng này.

Liên quan đến khoản thu 10.000 đồng/lượt ra vào bệnh viện, ông Nguyễn Bá Tĩnh cho hay: “Trước đây các xe ra vào bệnh viện dưới 10 phút, chúng tôi miễn phí. Nhưng lợi dụng quy định này, xe Taxi Sông Nhuệ đua nhau quay vòng trong sân viện, gây mất an ninh trật tự. Vì vậy, chúng tôi phải đưa ra thông báo thu 10.000 đồng/lượt ra, vào đối với xe không ưu tiên để ngăn chặn Taxi Sông Nhuệ, nhưng đến nay vẫn chưa thu được và Taxi Sông Nhuệ vẫn quần thảo bệnh viện hàng ngày”.

Đã đến lúc cơ quan chức năng địa phương, Sở GTVT Hà Nội cần vào cuộc, có biện pháp lập lại trật tự trong khuôn viên Bệnh viện K, cơ sở 3, Tân Triều. Nếu tiếp tục phó mặc tình hình cho bệnh viện và hãng Taxi Sông Nhuệ tự giải quyết thì người chịu thiệt thòi không ai khác là những bệnh nhân và gia đình họ.

Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Ngọc Hải - Văn Trọng/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h