|
Mô hình “Đường sắt kết hợp công trình” được Hong Kong áp dụng thành công từ những năm 1980 |
Theo tờ The Guardian, với lợi nhuận ròng năm 2018 vượt mức 2 tỷ đô la Mỹ, đường sắt đô thị đang là một trong ngành ăn nên làm ra nhất tại Hong Kong. Trong khi nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải công cộng ở một số nước bị thua lỗ hay cần chính phủ trợ cấp, thì những năm qua, Tập đoàn đường sắt đô thị luôn duy trì mức tăng trưởng đáng kinh ngạc.
Yếu tố giúp đường sắt đô thị thu hút hành khách và có lãi lớn một phần bởi chất lượng dịch vụ. Dù phục vụ 5,8 triệu lượt người mỗi ngày, các chuyến tàu vẫn đảm bảo tỷ lệ đúng giờ đạt tới 99,9%. Giá vé tuy duy trì ở mức thấp (từ 4 tới 59,5 đô la Hong Kong tương đương 12-180 ngàn đồng) nhưng doanh thu có thể đáp ứng 170% chi phí hoạt động.
Tuy nhiên, lợi nhuận thực sự của đường sắt đô thị lại nằm ở bất động sản. Hiện Tập đoàn này sở hữu gần 50 bất động sản lớn, trong đó có 2 khách sạn 5 sao cao nhất Hong Kong.
Các chuyên gia cho rằng, mô hình kinh doanh “Đường sắt kết hợp công trình” được áp dụng thành công từ những năm 1980. Do có mối quan hệ tốt với chính quyền, cũng là cổ đông lớn nhất, trong quá trình phát triển, Tập đoàn đường sắt đô thị được cấp phép xây dựng bất động sản thương mại quanh khu vực các nhà ga. Nguồn lợi từ việc bán hoặc cho thuê bất động sản giúp mở rộng hoạt động, duy trì vận hành hay triển khai dự án mới.
Ông Jacob Kam, Giám đốc điều hành Tập đoàn đường sắt đô thị Hong Kong cho biết: “Chúng tôi xây dựng đường sắt đô thị và giá trị bất động sản dọc tuyến tăng lên. Mô hình này giúp tận dụng tốt nguồn đất. Nếu quy hoạch đường sắt tốt, xây dựng công trình dịch vụ chất lượng chúng tôi sẽ thu được lợi nhuận”.
Thống kê cho thấy, năm 2018, hoạt động quản lý và cho thuê bất động sản đem về 5 tỷ đô la. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 2,6 tỷ đô la Hong Kong.
|
Một nhà ga thuộc dự án Sha Tin-Central |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, việc buông lỏng quản lý thời gian qua khiến Tập đoàn đường sắt đô thị dính hàng loạt bê bối. Cảnh sát đang điều tra hình sự dự án đường sắt trị giá 97,1 tỷ đô la Hong Kong tại trung tâm quận Sha Tin, sau khi có thông tin công trình này bị bớt xén vật liệu và tự ý thay đổi thiết kế.
Ngoài ra, mô hình phát triển bất động sản cũng bị lạm dụng quá mức. Tập đoàn đường sắt bị chỉ trích xây quá nhiều trung tâm thương mại, thay vì công trình công cộng, để tối đa hóa lợi nhuận. Một số ý kiến cho rằng, việc cấp phép xây dựng công trình nên được đấu thầu công khai.
Ông Paul Chan, Cục trưởng Tài chính Hong Kong cho biết, Cục Giao thông và Nhà ở đang tìm cách cải tổ hệ thống quản trị để cân bằng giữa nghĩa vụ xã hội và lợi ích kinh doanh. Hiện chính quyền nắm giữ 75% cổ phần, nhưng chưa quyết định mua lại 25% bởi còn nhiều ý kiến trái chiều: “Cần giải quyết mâu thuẫn giữa trách nhiệm xã hội và phát triển thương mại trong hoạt động của Tập đoàn đường sắt đô thị. Giới chức sẽ quyết định con đường phía trước cho ngành đường sắt đô thị để có cách tiếp cận tốt hơn”.
Ông Chan cho rằng, việc quốc hữu hóa toàn bộ Tập đoàn đường sắt đô thị có thể tăng cường mức độ quản lý các dự án; nhưng cũng tồn tại không ít bất cập. Cục trưởng tài chính Hong Kong nêu ví dụ, trên thế giới một số công ty đường sắt do chính phủ điều hành nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả.
Còn theo ông Quentin Cheng, chuyên gia nghiên cứu giao thông công cộng, cách tốt nhất cải thiện hiệu quả kinh doanh là để ngành đường sắt tự cạnh tranh trên thị trường. Có nghĩa, chính quyền nên dừng bảo trợ nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các loại hình vận tải. Khi đó hành khách sẽ là người lựa chọn và đưa ra quyết định.
Theo tờ The Guardian, nếu kiểm soát tốt, phương thức tạo nguồn vốn hiệu quả của Tập đoàn đường sắt đô thị của Hong Kong có thể là kinh nghiệm cho nhiều thành phố trên thế giới.
Trong tương lai không xa, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh sẽ có những tuyến đường sắt đô thị được đưa vào hoạt động như: Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông; Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội hay dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên.
Tuy nhiên, để đường sắt đô thị giữ một mắt xích quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng thì cần phải có một mô hình quản lý hiệu quả trong một tổng thể quy hoạch vận tải công cộng. Và phải kết hợp được hài hòa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội của đường sắt đô thị.