|
Bộ Giao thông Vận tải đồng ý thí điểm giảm giá vé xe qua trạm BOT cầu Thái Hà. |
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất kiến nghị của Tổng cục Đường bộ về việc thí điểm giảm mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí cầu Thái Hà, tỉnh Thái Bình trong thời gian 3 tháng đối với các phương tiện loại 3, loại 4 và loại 5 để kéo tăng doanh thu. Việc thí điểm giảm giá làm cơ sở báo cáo giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án.
Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng cục Đường bộ phối hợp với Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Công ty CP BOT cầu Thái Hà triển khai thực hiện việc thí điểm giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định đồng thời theo dõi doanh thu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và cập nhật vào phương án tài chính dự án theo quy định của hợp đồng.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ tổ chức đánh giá việc thí điểm giảm giá nêu trên, đề xuất giải pháp phù hợp để tháo gỡ triệt để khó khăn đối với dự án.
Trước đó, theo báo cáo của Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà, số tiền thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án cầu Thái Hà giai đoạn I từ năm 2019 đến năm 2021 đạt gần 84 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày thu 76 triệu đồng.
Để thu hút phương tiện, tăng hiệu quả của dự án, Tổng cục Đường bộ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét thí điểm giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án trong thời gian 3 tháng theo đề xuất của Công ty Cổ phần BOT cầu Thái Hà từ ngày 1/4/2022.
Ngoài xe loại 1 và loại 2 giữ nguyên mức giá là lần lượt là 34.000 đồng và 49.000 đồng, theo đề xuất của Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà, mức giá vé đối với xe loại 3, loại 4 và loại 5 giảm khá sâu.
Cụ thể, đối với xe loại 3 sẽ giảm từ 74.000 đồng xuống còn 55.000 đồng; xe loại 4 giảm từ 118.000 xuống còn 60.000 đồng; xe loại 5 giảm từ 177.000 đồng xuống còn 70.000 đồng.
Theo tính toán của Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà, việc giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ sẽ thu hút được phương tiện, số thu dự kiến sau giảm giá có thể đạt 198 triệu đồng/ngày đêm.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Dự án có thời gian thu phí dự kiến là 16 năm 7 tháng.