Thông tin mới nhất về hàng sưa "mặc giáp", được truyền dịch trên đường Nguyễn Văn Huyên

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông thành phố Hà Nội vừa có báo cáo tình hình triển khai thực hiện Dự án xây dựng cầu vượt, tại nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - đường Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (Vành đai 2,5).

Thong tin moi nhat ve hang sua
Hàng cây sưa được bảo vệ kỹ càng. Ảnh chụp tháng 9/2020: Phạm Hùng. 

Theo đó, dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định 3974/QĐ-UBND ngày 3/8/2018. Công trình cầu đường bộ, cấp II. Xây dựng cầu vượt trực thông theo hướng đường Nguyễn Văn Huyên (Vành đai 2,5) bằng dầm hộp thép, liên hợp bản bê tông cốt thép; chiều dài cầu 278m; bề rộng cầu 16m; cầu gồm 5 nhịp. Tĩnh không thông xe dưới cầu 4,75m.

Dự án còn các hạng mục xây dựng tường chắn, đường dẫn 2 đầu cầu; chỉnh trang cải tạo nút giao; xây dựng hệ thống chiếu sáng; mở rộng đủ mặt cắt ngang theo quy hoạch đoạn 170m của đường Nguyễn Văn Huyên giao với đường Hoàng Quốc Việt; xén giải phân cách và vỉa hè của đường Hoàng Quốc Việt và đường Nguyễn Văn Huyên tại khu vực nút giao, thêm mỗi bên 1 làn xe để bố trí các làn rẽ trái, rẽ phải trong nút giao...

Tổng mức đầu tư 560,282 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 305,244 tỷ đồng; chi phí xây lắp, chi khác, chi phí tư vấn đầu tư và chi phí quản lý dự án 255,038 tỷ đồng.

Về tình hình thực hiện di chuyển, chặt hạ cây xanh tại dự án, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết: Tại gói thầu số 13, Công ty cổ phần công trình giao thông 2 Hà Nội đã cắt tỉa và dịch chuyển được 107 cây (32 cây sưa, 1 cây thàn mát và 74 cây bóng mát các loại). Trong đó, 32 cây sưa và 1 cây thàn mát được dịch chuyển về vị trí vỉa hè mới trên đường Nguyễn Văn Huyên theo thiết kế. Đồng thời chặt hạ 15 cây (1 cây sưa, 8 cây cau vua và 4 cây keo, 1 cây dướng, 1 cây dâu da xoan).

Gỗ củi cây sưa thu được sau quá trình cắt tỉa, chặt hạ đã được Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông thành phố Hà Nội cùng các đơn vị liên quan tiến hành đo kiểm khối lượng, bàn giao cho Công ty TNHH MTV công viên cây xanh, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị quản lý.

Qua nhiều đợt kiểm tra, đánh giá (gần nhất là cuối tháng 1/2021) ghi nhận có 7 cây sưa đã chết và 25 cây sinh trưởng ổn định.

Cũng theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo UBND Thành phố về việc giải quyết đề nghị của Ban liên quan việc việc chăm sóc cây sưa của dự án.

Trong đó, yêu cầu Ban Quản lý dự án thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết, với thời gian chăm sóc các cây sau dịch chuyển tại địa điểm trồng lại là 1 năm trước khi bàn giao cho Thành phố quản lý, duy trì.

Giao Ban Quản lý dự án phối hợp cơ quan chức năng tổ chức giám định mẫu vật để xác định chủng loại gỗ; trường hợp cơ quan chức năng xác định là cây gỗ quý hiếm giao cho Sở Xây dựng cấp giấy phép chặt hạ các cây gỗ quý hiếm và phối hợp đơn vị chức năng của Sở Xây dựng để đo đạc, thu hồi về kho của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh bảo quản để thực hiện bán đấu giá theo quy định (đối với cây bị chết).

Đối với các trường hợp cây bị chết cần trồng thay thế, giao Ban Quản lý dự án phối hợp với nhà thầu thi công trồng thay thế bằng cây Giáng Hương để đồng bộ với hiện trạng cây sưa sau dịch chuyển.

Hiện tại Ban Quản lý dự án đang chờ ý kiến chỉ đạo UBND Thành phố với nội dung đề xuất của Sở Xây dựng tại văn bản nêu trên.

Trước đó, thực hiện dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (đường Vành đai 2,5), ngày 20/3/2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã bàn giao hơn 100 cây bóng mát trên đường Nguyễn Văn Huyên (trong phạm vi dự án) cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông thành phố Hà Nội để thực hiện dịch chuyển vào vị trí hè mới, theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.

Trong số này có hơn 30 cây sưa là loại gỗ quý, có giá trị về kinh tế. Các cây sưa này được cắt tỉa, dịch chuyển và chăm sóc, bảo vệ sau khi trồng lại.

Ngay sau khi di dời cây vào đúng vị trí theo thiết kế, hàng cây sưa này đã được "mặc giáp" để bảo vệ. Đơn vị nhà thầu cũng bố trí người tưới nước và bơm thuốc kích rễ đều đặn. Sau vài tháng, khi phát hiện cây có biểu hiện khô héo, đơn vị chăm sóc những cây sưa này đã hỗ trợ dinh dưỡng bằng cách truyền dung dịch vào thân cây để giúp cây sinh trưởng.

Văn Sinh

Tin liên quan