Tổng cục Đường bộ yêu cầu nhà đầu tư BOT giảm thuế VAT, xả trạm thu phí khi ùn tắc

KHẢI HOÀ
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT; Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động VETC triển khai giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH16 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ban hành ngày 11/1/2022.

Tong cuc Duong bo yeu cau nha dau tu BOT giam thue VAT, xa tram thu phi khi un tac - Hinh anh 1
Tổng cục Đường bộ yêu cầu nhà đầu tư BOT giảm thuế VAT, xả trạm thu phí khi ùn tắc
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện ngay các chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 8% đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Các nhà đầu tư BOT, đơn vị cung cấp dịch vụ phải công khai mức giá, chuẩn bị tiền có mệnh giá nhỏ để trả lại cho chủ phương tiện; tổ chức đảm bảo giao thông khu vực trạm thu phí; phân làn, phân luồng và có giải pháp phù hợp, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí; mở barie giải tỏa phương tiện trong trường hợp ùn tắc tại khu vực trạm thu phí.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn lại 2% tiền thuế giá trị gia tăng trong giá vé tháng, vé quý cho chủ phương tiện đã mua từ ngày 1/2-31/12/2022. Số tiền hoàn lại bằng số tiền chênh lệch giữa giá vé bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng (chủ phương tiện đã mua còn hiệu lực từ ngày 1/2/2022 trở đi) và giá vé bao gồm 8% thuế giá trị gia tăng (được áp dụng từ ngày 1/2/2022) chia cho 30 ngày (đối với vé tháng) hoặc chia cho 90 ngày (đối với vé quý) nhân với số ngày còn hiệu lực của vé tính từ ngày 1/2/2022.
Không xả trạm thu phí khi ùn tắc có thể bị phạt tới 70 triệu đồng
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), nếu để xảy ra ùn tắc, tùy theo mức độ tổ chức quản lý, vận hành, trạm thu phí đường bộ sẽ bị xử lý mức cao nhất lên đến 40 triệu đồng và khi có yêu cầu xả trạm của Cảnh sát giao thông mà không chấp hành, tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ có thể bị phạt lên đến 70 triệu đồng.
 

 

Tin liên quan