Các cơ quan chức năng thống nhất trình UBND TP HCM phương án giữ lại nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi do yếu tố lịch sử.
Cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn
Cầu Bình Lợi hoàn thành tháng 2/1902, là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, kết nối Sài Gòn với miền Đông, miền Trung và các tỉnh phía Bắc. Cầu được kết cấu vòm thép, các thanh thép liên kết bằng đinh tán ri vê, mặt cầu bằng gỗ tấm lớn và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn, Thủ Đức và Biên Hòa. Cầu có một nhịp quay 90 độ (do hãng thầu Levalllois Perret thi công), dài 276m gồm 6 nhịp.
Theo các nhà sử học, cầu sắt Bình Lợi chứng kiến thăng trầm của TP Sài Gòn. Là một chứng nhân lịch sử qua bao cuộc kháng chiến, là mối liên kết Sài Gòn với các vùng lân cận miền Đông. Bên cạnh những cây cầu hơn 100 tuổi ở Sài Gòn như cầu Nhị Thiên Đường, cầu Phú Long, cầu sắt Bình Lợi đã để lại bao ký ức trong lòng người dân Nam bộ khi đến đất Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp.
Vài năm trở lại đây, giao thương đường thủy phát triển, các tàu thuyền chở hàng hóa từ sông Sài Gòn hướng đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… ngày một lớn trong khi tĩnh không cầu thấp khiến tàu thuyền qua lại khó khăn. Do vậy nơi đây thường xuyên xảy ra các vụ tàu thuyền va đập vào cầu. Còn nhớ một vụ va chạm mạnh tại cầu xảy ra vào tháng 11/2015, một sà lan chở đá đã tông mạnh vào trụ cầu làm chệch thanh ray tàu lửa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng khiến giao thông đường sắt tê liệt.
Trước tình hình trên, TP.HCM đã trình Chính phủ cho phép làm cầu đường sắt mới thay thế cầu Bình Lợi. Đến nay, cầu sắt Bình Lợi đang được gấp rút triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7. Sau khi cầu sắt mới đưa vào sử dụng, cầu sắt Bình Lợi cũ sẽ tháo bỏ vì lý do an toàn. Tuy nhiên, một số sở ngành và đông đảo ý kiến người dân đề xuất TP giữ lại để bảo tồn vì giá trị lịch sử của cây cầu.
Là một trong những người dân sinh sống gần cầu sắt Bình Lợi, ông Nguyễn Văn Bảy chia sẻ: “Nhà tôi ở gần cầu đã vài chục năm nay, ngày nào cũng qua cầu từ quận Bình Thạnh sang Thủ Đức nên có nhiều kỷ niệm gắn bó với cầu này. Giờ thành phố mà tháo dỡ thì không chỉ tôi mà nhiều người dân sẽ tiếc nuối. Những cây cầu sắt lâu đời như thế này còn lại rất ít ở Sài Gòn. Thành phố nên giữ lại làm lịch sử cho con cháu sau này”.
Giữ lại hai nhịp cầu để bảo tồn
Hai nhịp cầu phía bờ sông quận Thủ Đức sẽ được giữ lại để bảo tồn. Ảnh Đỗ Loan
Trước đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM và đông đảo ý kiến người dân, chiều 22/5, Sở GTVT TP.HCM chủ trì cuộc họp lấy ý kiến về việc bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi. Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, việc giữ và bảo tồn những hạng mục trên nhằm lưu giữ dấu tích của cây cầu hơn 117 năm tuổi đã gắn với không gian sông nước Sài Gòn - Nam bộ. Cùng đó là để phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt, cầu đường Việt Nam và phát triển ngành du lịch TP. |
“
"Cuối tháng 7, cầu sắt Bình Lợi mới hoàn thành và sẽ chạy tàu. Sau đó, sẽ tiến hành tháo dỡ trụ, nhịp số 3, 4 và 5 ở giữa sông để thông luồng sông Sài Gòn cho tàu thuyền lớn từ trên 300 tấn đi qua thuận lợi ở dưới dạ cầu mới có tĩnh không cao trên 7m”.
Ông Hoàng Tuấn Khoát,
Phó giám đốc Ban QLDA 7, đơn vị quản lý, điều hành dự án cầu đường sắt Bình Lợi
”
|
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, cầu đường sắt Bình Lợi có giá trị về mặt lịch sử, tuy nhiên nếu muốn giữ nguyên trạng để bảo tồn thì không khả thi, vì tĩnh không cầu thấp, các trụ cầu nằm ngay luồng giao thông thủy ảnh hưởng đến tàu thuyền qua lại trong khi đó việc xây cầu mới để đáp ứng phát triển giao thông thủy.
“Nếu để nguyên trạng các trụ và nhịp cầu, nguy cơ mất an toàn sẽ rất cao. Thế nhưng, xét về mặt lịch sử, Sở GTVT sẽ thống nhất quan điểm giữ lại một phần cầu đường sắt để bảo tồn. Sở GTVT sẽ cùng với các đơn vị liên quan nghiên cứu giữ lại 2 nhịp cầu phía bờ sông quận Thủ Đức. TP sẽ giao cho ngành đường sắt có kế hoạch duy tu để bảo tồn”, ông Tám nói.
Do vậy các sở, ngành đi đến thống nhất giữ lại, bảo tồn nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi gồm: Nhịp số 1 và nhịp số 2 là phần đầu cầu và nhịp cầu quay tiếp giáp bờ sông Sài Gòn thuộc quận Thủ Đức (giữ toàn bộ hệ mố, trụ, nhịp dầm thép, mặt cầu và một đoạn đường ray) và giữ lại tháp canh. Ngoài ra, Sở GTVT cũng sẽ nghiên cứu phương án giữ lại phần đường xuống sông, đầu cầu và hệ mố, trụ nhịp số 6 phía bờ quận Bình Thạnh để làm bến thủy nội địa phục vụ cho vận tải đường sông trong tương lai.
Ông Phạm Văn Chỉnh, Phó trưởng Ban Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, Tổng công ty Đường sắt VN cho rằng, nếu giữ lại một phần cầu đường sắt Bình Lợi để bảo tồn cần nghiên cứu cụ thể vì nó liên quan đến tài sản của ngành đường sắt. “Nếu thành phố muốn giữ lại, cần phải có giải pháp lâu dài. Chẳng hạn như quây bảo vệ phần gầm cầu bởi đó là phần đất khô, nếu không có người quản lý, rất dễ biến thành nơi tụ tập của những tệ nạn hút chích ở dưới gầm cầu”, ông Chỉnh nói.