Từ 1/10, thực hiện quy định mới chức năng, nhiệm vụ các khu Quản lý đường bộ

NGUYỄN MINH
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa ký ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ các khu Quản lý đường bộ, có hiệu lực từ 1/10.

Tu 1/10, thuc hien quy dinh moi chuc nang, nhiem vu cac khu Quan ly duong bo - Hinh anh 1
Từ 1/10, thực hiện quy định mới chức năng, nhiệm vụ các khu Quản lý đường bộ. 

Theo các quyết định này, các khu Quản lý đường bộ (QLĐB) I, II, III và IV là tổ chức trực thuộc Cục Đường bộ VN, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng Cục Đường bộ VN quản lý nhà nước về giao thông đường bộ trong khu vực quản lý; trực tiếp quản lý, bảo trì, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) các tuyến quốc lộ và đường khác được giao trong khu vực quản lý.

Khu QLĐB là tổ chức hành chính tương đương chi cục, có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Về nhiệm vụ và quyền hạn, khu QLĐB có 14 nhiệm vụ và quyền hạn chính. Trong đó, về tổ chức quản lý, bảo trì, khai thác, sử dụng KCHTGT các tuyến quốc lộ và đường khác được giao, các khu QLĐB có nhiệm vụ quản lý kết cấu hạ tầng, theo dõi, báo cáo và cập nhật số liệu về tình trạng kỹ thuật công trình đường bộ vào cơ sở dữ liệu đường bộ; tổ chức giao thông; rà soát, đặt hệ thống báo hiệu đường bộ, mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ.

Chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu; cấp phép, thỏa thuận thi công xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ KCHTGT đường bộ theo quy định của pháp luật; chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông, cấp phép thi công nút giao đấu nối vào quốc lộ theo thẩm quyền.

Lập, trình phê duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ hàng năm; trực tiếp tổ chức thực hiện việc quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ đối với các tuyến đường được giao quản lý, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt theo quy định.

Tổ chức thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai trên quốc lộ theo quy định; tổ chức thẩm định ATGT; xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên quốc lộ đang khai thác; thống kê TNGT, cầu yếu, vị trí mất ATGT; triển khai các dự án về ATGT đường bộ theo thẩm quyền...

Kiểm tra, giám sát công tác bảo trì đường bộ theo quy định. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư đối với các dự án bảo trì quốc lộ theo phân cấp của Cục trưởng...

Đối với quốc lộ ủy quyền sở GTVT, sở GTVT - Xây dựng quản lý, khu QLĐB có nhiệm vụ kiểm tra hoạt động quản lý, bảo trì của sở GTVT trong khu vực quản lý theo phân cấp, ủy quyền của Cục trưởng; Quyết toán dự án hoàn thành theo ủy quyền của Cục trưởng; Phối hợp khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phân luồng đảm bảo giao thông khi có thiên tai, sự cố công trình...

Theo các quyết định này, các khu QLĐB thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đối với dự án đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP) trên quốc lộ được giao quản lý.

Cụ thể, hướng dẫn doanh nghiệp dự án trong công tác quản lý, bảo vệ KCHTGT và cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu đường bộ; cấp giấy phép hoặc thỏa thuận thi công; kiểm tra việc tuân thủ giấy phép, công tác đảm bảo giao thông và ATGT trong quá trình thi công xây dựng; kiểm tra, theo dõi doanh nghiệp dự án trong việc tuân thủ các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo trì, bảo vệ KCHTGT đường bộ, tổ chức thu phí, đếm xe, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Thỏa thuận, kiểm tra, báo cáo Cục Đường bộ VN kế hoạch bảo trì do doanh nghiệp dự án lập, kiểm tra việc thực hiện theo quy định. Phối hợp với doanh nghiệp dự án thực hiện phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố, xử lý công trình có dấu hiệu nguy hiểm...

Kiểm tra doanh nghiệp dự án theo quy định của pháp luật và hợp đồng dự án; tiếp nhận công trình dự án sau khi hết thời hạn hợp đồng, hết thời hạn kinh doanh khai thác, thu phí của nhà đầu tư. Lập, theo dõi hồ sơ tài sản kết cấu hạ tầng của Nhà nước tham gia vào dự án; Kiểm tra doanh nghiệp dự án trong việc quản lý, sử dụng và bảo trì tài sản theo quy định.

Về quản lý vận tải, phương tiện và người lái, các khu QLĐB thực hiện quản lý, cấp phát phôi giấy phép vận tải đường bộ quốc tế, phôi giấy phép lái xe theo ủy quyền của Cục trưởng; Cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng theo quy định của pháp luật.

Tham gia hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ tại các địa phương trong khu vực quản lý. Tham gia kiểm tra, giám sát công tác quản lý phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia GTĐB; phối hợp điều tra tai nạn lao động xảy ra trên các phương tiện vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.

Cùng các nhiệm vụ trên, khu QLĐB được giao nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên quốc lộ trong khu vực quản lý theo thẩm quyền. Thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về GTĐB trong khu vực quản lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử phạt vi phạm hành chính...

Quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT nêu rõ các khu QLĐB I, II, III, IV tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của các cục QLĐB I, II, III, IV thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định của pháp luật cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan.

Các trung tâm Kỹ thuật đường bộ 1, 2, 3, 4 tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi có cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc sắp xếp đối với trung tâm này.

Tin liên quan