|
Các tiện ích của ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID. |
Trước đó, ngày 5/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định chi tiết về danh tính điện tử, định danh điện tử, xác thực điện tử; dịch vụ xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ xác thực điện tử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2022, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam liên quan đến định danh và xác thực điện tử.
Đại diện lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho biết, tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ. Trong đó, mức độ 1 gồm những thông tin cá nhân và ảnh chân dung. Ở mức 1, người dân được sử dụng một số tính năng cơ bản như: Giải quyết dịch vụ công trực tuyến về thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng...
Đối với mức 2, tài khoản này có thêm thông tin về sinh trắc học của công dân (vân tay). Với tài khoản này, người dân được sử dụng tất cả tiện ích đã tích hợp các loại giấy tờ gồm: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (điện, nước, chuyển tiền...).
Một trong các quy định đáng chú ý là từ ngày 20/10/2022, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam có giá trị tương đương căn cước công dân gắn chip. Theo đó, người dân có thể dùng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 khi thực hiện các giao dịch mà cần có CCCD. Lúc đó, tài khoản định danh mức 2 có giá trị cung cấp thông tin về các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản để các đơn vị hành chính đối chiếu khi công dân giao dịch. Đối với người nước ngoài, tài khoản định danh mức 2 có giá trị tương đương hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Để có được tài khoản định danh điện tử, người dân thực hiện đăng ký thông qua ứng dụng VNeID trên điện thoại di động, hoặc đến cơ quan công an địa phương để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử.
Theo quy định, tài khoản định danh điện tử của công dân chỉ đăng nhập trên thiết bị duy nhất tại một thời điểm. Người dân không thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên nhiều thiết bị khác nhau cùng thời điểm. Bên cạnh đó, một số điện thoại duy nhất chỉ được đăng ký định danh điện tử cho một cá nhân theo số CCCD.
Để bảo mật thông tin, Bộ Công an khuyến cáo chủ tài khoản cần đảm bảo thiết bị chỉ có vân tay, khuôn mặt của mình. Trường hợp có vân tay, khuôn mặt của người khác trên thiết bị đó, thì nên sử dụng mật khẩu để đăng nhập và đăng xuất ứng dụng khi không sử dụng. Trong trường hợp mất thiết bị đang sử dụng tài khoản định danh điện tử, công dân cần yêu cầu khóa tạm thời tài khoản để đảm bảo an toàn cho dữ liệu cá nhân của mình thông qua một trong 2 cách: Yêu cầu khóa tài khoản trên trang thông tin định danh điện tử quốc gia, liên hệ cơ quan công an để được hỗ trợ khóa tạm thời tài khoản.
Cũng theo Nghị định số 59/2022, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam, đều được cấp tài khoản định danh điện tử. Còn công dân Việt Nam, người nước ngoài đã nhập cảnh nhưng chưa đủ 14 tuổi, thì được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, phối hợp với cơ quan công an cấp huyện trên địa bàn tổ chức cấp căn cước công dân gắn chíp và xác thực định danh điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị, phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị gương mẫu thực hiện.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động khác theo nhu cầu của chủ thể danh tính điện tử.
UBND thành phố cũng giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND thành phố, Sở Nội vụ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập, vướng mắc để tham mưu, đề xuất UBND thành phố các giải pháp bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân gắn chíp và định danh điện tử.