Khảo sát thực tế tại tuyến đường sắt bắc nam chạy song song với quốc lộ 1A, qua địa bàn các huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên (Hà Nội), điều dễ nhận thấy là tình trạng đường ngang do các hộ dân sống dọc tuyến tự mở xuất hiện rất nhiều. Cùng với đó là hàng quán mọc lên, vật liệu xây dựng, phế thải đổ bừa bãi dọc theo hành lang ATGT đường sắt. Đây thật sự là những mối hiểm họa thường trực, không chỉ xâm phạm hành lang ATGT đường sắt, mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân cũng như ngành đường sắt.
Tại đường Ngọc Hồi (thuộc địa phận thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) gần như toàn bộ tuyến đường sắt đều có nhà dân mọc lên san sát dọc theo chiều dài tuyến, vừa là nơi cư trú, vừa trở thành cửa hàng kinh doanh, buôn bán. Để thuận tiện cho việc kinh doanh, những hộ dân này đã tự ý mở lối đi cắt ngang đường sắt, dỡ ba-ri-e bảo vệ đường tàu, thậm chí có nhiều đoạn ba-ri-e đường sắt dài đến vài trăm mét đã bị tháo dỡ làm đường dân sinh, không có rào chắn cũng như biển báo, hệ thống cảnh báo tàu chạy.
Không chỉ ở các huyện ngoại thành, tại khu vực đường sắt qua các tuyến phố trung tâm, đông đúc của Hà Nội, tình trạng vi phạm này cũng rất đáng lo ngại. Tại đoạn qua khu vực đường Trần Phú - Điện Biên Phủ (quận Ba Đình), dù khoảng cách từ tâm đường sắt đến nhà dân chưa đầy một mét (trong đó quy định tiêu chuẩn là 6 m), nhưng các cửa hàng của những hộ dân ở đây đã tận dụng đường ray tàu để bày bàn ghế bán nước, đồ ăn vặt phục vụ khách hàng vào các buổi trưa và chiều. Phần lớn khách hàng có thú vui ngồi uống trà đá, cà-phê ngắm tàu hỏa chạy ở đây là các bạn trẻ và du khách nước ngoài.
Khi được hỏi về hành vi nguy hiểm này, chị Nguyễn Thu Hà, một chủ hộ kinh doanh thản nhiên trả lời là họ đã nắm chắc giờ tàu chạy và khi tàu đến sẽ nghe còi hú báo hiệu, cho nên không đáng lo. Tương tự, trên các tuyến đường sắt đi qua khu vực xóm đường tàu Khâm Thiên, đường Lê Duẩn, Giải Phóng… (quận Đống Đa), tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt cũng diễn ra khá phổ biến. Người dân nơi đây cho biết, từ một gia đình mở quán cà-phê thu hút nhiều khách, khiến cho các hộ khác đua nhau mở hàng quán, có những khu đã lên đến hàng chục hộ. Nhiều người còn để vật dụng, đồ đạc, xe máy vào hoặc sát mép đường ray. Chưa kể, khách du lịch nước ngoài và rất nhiều bạn trẻ ngang nhiên đứng trên đường ray để chụp ảnh, bất chấp nguy hiểm đang rình rập.
Thực tế, các trường hợp ngồi uống cà-phê, mua bán, chụp ảnh… bên đường tàu không khác gì “thách thức với tử thần”, vô cùng nguy hiểm. Tại “xóm đường tàu” ven đường Phùng Hưng, đã không ít lần cơ quan chức năng đến làm việc, lập biên bản xử lý các hàng quán kinh doanh. Song, chỉ một thời gian sau, hoạt động kinh doanh bên đường tàu lại tấp nập, nhộn nhịp trở lại.
Để công tác quản lý hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội đạt hiệu quả, cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao tinh thần ý thức chấp hành ATGT của người dân, rất cần sự vào cuộc quyết liệt và triệt để hơn nữa của cơ quan chức năng trong việc phối hợp cơ quan liên quan giải tỏa hành lang an toàn giao thông, tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm... để giảm đến mức thấp nhất những tai nạn không đáng có trên tuyến đường sắt.