|
Khoản lỗ hơn 10.000 tỷ xóa sạch lợi nhuận 5 năm của Vietnam Airlines. |
Kết quả thua lỗ trên báo cáo tài chính quý III vừa được công bố của Vietnam Airlines không chênh lệch đáng kể so với con số ước tính trước đó.
Tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO cùng các công ty con trong lĩnh vực phụ trợ) quý III là 7.602 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước.
Với doanh thu quá thấp, hãng hàng không quốc gia lỗ gộp 3.200 tỷ. Trừ đi chi phí hoạt động, lỗ sau thuế của Vietnam Airlines là 3.997 tỷ đồng. Mức lỗ quý vừa qua của Vietnam Airlines không cải thiện là bao so với quý lI (lỗ 4.031 tỷ đồng) dù doanh thu hồi phục hơn 1.600 tỷ đồng.
Sau khi các đường bay trong nước bắt đầu nhộn nhịp trở lại vào tháng 6 và 7, quý III tưởng chừng là thời điểm ngành hàng không bắt đầu phục hồi. Nhưng làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng tiếp tục là đẩy các hãng bay chìm trong thua lỗ. Vietjet cũng báo lỗ 971 tỷ đồng trong quý III.
Sân bay Đà Nẵng đóng cửa trong gần 1,5 tháng từ cuối tháng 7 khiến tần suất khai thác các chuyến bay nội địa giảm mạnh. Đường bay từ Đà Nẵng đi, đến TP Hồ Chí Minh, Hà Nội vốn là những trục bay quan trọng với tần suất khai thác cao chỉ xếp sau Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Vietnam Airlines là 32.411 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ 2019. Khoản lỗ ròng sau 3 quý của hãng hàng không quốc gia là 10.676 tỷ đồng. Cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2019, Vietnam Airlines có lãi 2.513 tỷ đồng.
Khoản lỗ 10.676 tỷ đồng của Vietnam Airlines xóa sạch thành quả của 5 năm trước đó. Tổng lợi nhuận của 5 năm từ 2015 đến 2019 của hãng hàng không quốc gia là 10.380 tỷ đồng, thấp hơn con số thua lỗ sau 9 tháng đầu năm 2020.
Đến cuối tháng 9, Vietnam Airlines lỗ lũy kế 8.874 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp theo đó từ 18.608 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2019 giảm còn 6.611 tỷ đồng sau 9 tháng.
Dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines trong 9 tháng qua âm 6.270 tỷ đồng. Để đảm bảo lượng tiền mặt, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản, thu hồi các khoản cho vay và tăng cường vay nợ.
Tại thời điểm ngày 30/9, giá trị tiền và các khoản tương đương tiền của Vietnam Airlines trên bảng cân đối kế toán là 2.618 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn gần 660 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.
Đến cuối tháng 9, tổng giá trị vay và nợ thuê tài chính của Vietnam Airlines là hơn 35.000 tỷ đồng, cao hơn 3.100 tỷ so với đầu năm. Trong đó, phần tăng thêm chủ yếu là vay ngắn hạn.
Trước việc lỗ lớn và khó khăn về thanh khoản, Vietnam Airlines đã đề xuất Chính phủ gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, gồm khoản vay 4.000 tỷ đồng và 8.000 tỷ đồng để tăng vốn. Đại diện Vietnam Airlines cho biết các cơ quan liên quan đang làm việc để có thể giải ngân gói hỗ trợ sớm nhất nhưng vẫn đảm bảo đúng khuôn khổ pháp lý.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết các khoản đến hạn thanh toán có thể lên tới 6.000 tỷ đồng vào cuối năm nay. Nếu không sớm tiếp cận được gói hỗ trợ từ Chính phủ, hãng không thể tiếp tục vay nợ để hoạt động.