“Xe dù, bến cóc” tại Hà Nội không có dấu hiệu thuyên giảm

 
Chia sẻ

Không ít doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh đã bỏ bến nhưng không bị cắt “nốt”. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, sở dĩ có thực trạng này bởi xe “dù”, xe hợp đồng trá hình Limousine hoạt động ngày càng mạnh. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Viện –Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng đặt nghi vấn liệu có hay không việc “bảo kê, bao che” cho sai phạm?

Xe khách liên tỉnh thua xe hợp đồng trá hình Limousine

Số liệu từ Sở GTVT Hà Nội cho hay, tính đến nay, mạng lưới tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đường bộ kết nối từ 6 bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Nước Ngầm và Sơn Tây đến 41 tỉnh, thành phố trên cả nước.Theo đó, có 655 tuyến vận tải, 450 đơn vị vận tải, 4.647 phương tiện, thực hiện 4.766 chuyến/ngày, trong đó có 51 đơn vị vận tải có trụ sở trên địa bàn Hà Nội với 930 phương tiện.

Theo nhận định của Sở GTVT Hà Nội, hoạt động vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định trên địa bàn Hà Nội thời gian qua có dấu hiệu sụt giảm, nhiều nhà xe bỏ bến, hoạt động không đạt 70% số chuyến xe theo biểu đồ đã được phê duyệt. Nhiều nguyên nhân được Sở GTVT Hà Nội chỉ ra, trong đó, các nguyên nhân như sự “bùng nổ” của xe hợp đồng trá hình dạng Limousine, xe “dù”, xe chạy tuyến cố định cùng một lúc được cấp hai phù hiệu “Xe chạy tuyến cố định” và “Xe hợp đồng”.

Trong đó, theo Sở GTVT Hà Nội, nắm bắt được nhu cầu và tâm lý đi lại của người dân, nhiều đơn vị vận tải đầu tư phương tiện chất lượng cao “lách luật” hoạt động theo hình thức xe hợp đồng, du lịch để vận chuyển hành khách như tuyến cố định với nhiều phương thức hoạt động, thu hút được người dân sử dụng dịch vụ.

“Xe du, ben coc” tai Ha Noi khong co dau hieu thuyen giam - Hinh anh 1
Nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định lao đao vì loại hình xe hợp đồng trá hình hoạt động ngày càng nở rộ.

Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cũng cho thấy, hiện có khoảng 22 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở khu vực miền Bắc và Thanh Hóa, có xe hợp đồng Limousine loại thường xuyên hoạt động đến Hà Nội. Một thực trạng nữa là xe khách được cấp cả phù hiệu xe hợp đồng. Khi bị kiểm tra xử lý, tùy vào tình huống, đơn vị vận tải sẽ xuất hiện loại phù hiệu giấy tờ kèm theo để che mắt, chống chế với lực lượng chức năng kiểm tra xử lý vi phạm.Một số đơn vị vận tải ký hợp đồng vận chuyển hành khách với các đơn vị du lịch, lữ hành để thường xuyên tổ chức nhận đặt chỗ, gom khách, hoạt động vận chuyển hành khách hai chiều như tuyến cố định, hoạt động như X.E Việt Nam, Nam Cường, Mê Công, Hà Lan, Ninh Quỳnh Lạng Sơn, Thiên Thảo Nguyên, Queen Cafe, Hưng Thành, Vân Anh, H2, Hưng Long, Minh Huy tập trung tại các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai và Hai Bà Trưng.

Thống kê sơ bộ của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, Sở GTVT Thanh Hóa cấp 13 xe cho 2 đơn vị vận tải, Sở GTVT Ninh Bình cấp 29 xe cho 4 đơn vị vận tải, Sở GTVT Thái Bình cấp 245 xe cho 22 đơn vị vận tải. Để xảy ra tình trạng trên, theo Sở GTVT, chế tài xử lý và các quy định của pháp luật chưa kịp thời sửa đổi, theo kịp với điều kiện thực tế của từng địa phương; quy định trong quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng, xe Limousine còn nhiều kẽ hở để đơn vị vận tải, nhà xe và lái xe lợi dụng. Đáng nói, đến nay, chưa có quy định rõ về hành vi vi phạm của các phương tiện “trá hình” vận chuyển khách như tuyến cố định, nên việc xử lý vi phạm còn khó.

Sẽ mở buýt kế cận thay tuyến cố định dưới 100km để xóa xe dù

Bày tỏ về thực trạng trên tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội và các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty CP xe khách Hà Nội chia sẻ: “ Nhiều doanh nghiệp tuyến cố định đang phải lao đao, thậm chí phải đóng tuyến vì không hoạt động được do “xe dù, bến cóc”, các loại hình xe hợp đồng trá hình hoạt động ngày càng rầm rộ.

Trong khi chờ chuẩn hoá về quy định vận tải, chúng tôi mong muốn Sở GTVT Hà Nội có biện pháp quyết liệt hơn để dẹp “xe dù, bến cóc”, xe Limousine, tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh”. Cùng chung quan điểm, ông Đào Ngọc Thanh – Công ty liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân bày tỏ, hiện người dân đang hiểu xe Limousine là loại hình vận tải được chấp nhận, dẫn đến sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa tuyến cố định và xe hợp đồng.

Tình trạng xe khách bỏ nốt, bỏ bến nhiều có nguyên do rất lớn từ xe Limousine. Loại xe này bán vé lẻ, chui vào tận các ngóc ngách của Hà Nội. Bởi vậy, ông Thanh kiến nghị, phải có cảnh báo, có chế tài xử lý xe hợp đồng trá hình Limousine. Còn như thời gian vừa qua, ông Thanh cho rằng, lực lượng chức năng vẫn chưa thực sự vào cuộc, chưa kiên quyết xử lý xe Limousine.

Khẳng định tới đây sẽ đề xuất mở các tuyến buýt kế cận thay các tuyến cố định dưới 100km để ngăn “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng phân rõ trách nhiệm đối với các lực lượng của Thanh tra Sở GTVT, CSGT, CSTT, Công an quận, Công an phường và UBND các phường xã. 

Cùng đó sẽ xây dựng quy chế gắn trách nhiệm của các lực lượng khi để tồn tại, phát sinh, tái diễn tình trạng vi phạm của xe khách, bến bãi… “Chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng Công an rà soát, dẹp bỏ các hàng quán ven đường, xung quanh các khu vực bến xe là nơi tập kết hàng hoá, hành khách chờ phương tiện”, ông Viện nói.

cand.com

Tin liên quan