Xe ôm, taxi chật vật trong mùa dịch

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Dịch Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp, khiến nhiều ngành nghề lao đao, thậm chí là tê liệt, trong đó có dịch vụ taxi, xe ôm… Việc hỗ trợ, giúp họ có thể duy trì qua thời điểm khó khăn nhất là vô cùng cần thiết.

Xe om, taxi chat vat trong mua dich  - Hinh anh 1
Xe ôm chờ đón khách trên phố Tạ Hiện. Ảnh: Hải Linh

Khó khăn chưa từng có

 Có thể nói, chưa khi nào ngành vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. Kể từ tháng 1/2020, khi xuất hiện dịch Covid-19, hầu hết các loại hình vận tải khách đều bị hạn chế, thậm chí đình chỉ hoạt động để phòng ngừa khả năng lây lan. Trên chuyến taxi từ phố Hai Bà Trưng về Đội Cấn, anh Phan Văn Hùng, 35 tuổi, tài xế GrabCar chia sẻ, từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách hàng giảm đi rõ rệt, ước chừng khoảng 50%. “Bình thường tôi thu được khoảng hơn 2 triệu đồng mỗi ngày, thời gian này chạy “căng” cũng chỉ được 1 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí thì bỏ túi chẳng được bao nhiêu” - anh Hùng than thở.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Đạt Chung, 27 tuổi, tài xế taxi Mai Linh cho biết, rất nhiều khách hàng gọi xe xong lại hủy chuyến. Lý do đưa ra là họ lo ngại việc có nhiều người sử dụng và không gian chật hẹp của xe sẽ khiến nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Anh Chung cho rằng, chính những tài xế taxi như anh cũng rất lo lắng, dè chừng khi vận chuyển khách trong thời gian này. “Nghề nào thì cũng có rủi ro, sau khi nghe tin về dịch bệnh, nhiều anh em khi thấy khách lên xe có biểu hiện như mệt, ho, hắt hơi, sổ mũi... đã từ chối vận chuyển bởi lo lắng cho sức khỏe của mình và gia đình” - anh Chung chia sẻ.

Không chỉ các tài xế taxi ảnh hưởng mà ngay đối với cánh xe ôm công nghệ, dịch bệnh đang khiến họ gặp nhiều khó khăn. “Sinh viên về quê, học sinh nghỉ học, ít người ra đường. Nhiều ngày ngồi cả buổi mà không “nổ” khách... giờ chắc tôi phải tạm chuyển nghề đợi đến khi nào hết dịch thôi” - anh Trần Trung Kiên, 40 tuổi, tài xế xê ôm công nghệ của hãng Grab nói.

Nhiều tài xế chia sẻ, lượng khách hàng đông đảo nhất, thường xuyên sử dụng dịch vụ là giới nhân viên văn phòng, phụ huynh và học sinh. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên một số công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà; học sinh, sinh viên nghỉ học dài ngày. Cùng với đó, tâm lý lo ngại dịch bệnh, hạn chế khi ra đường của người dân là nguyên nhân chính dẫn đến việc “ế” khách như hiện nay.

Đề xuất giảm phí cho lái xe

Theo chỉ đạo của Bộ GTVT và các cơ quan hữu quan, đa số các hãng taxi đều thực hiện nghiêm hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19. Đại diện hãng Be thông tin: “Chúng tôi đã có kế hoạch để duy trì và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty, theo đúng chỉ tiêu đã đề ra và tích cực chung tay cùng cộng đồng trong việc nghiêm túc phòng chống dịch”. Thực tế cho thấy, dù nhu cầu đi lại giảm mạnh nhưng dịch vụ giao nhận hàng hóa, đồ ăn lại tăng đều. Để có thu nhập, các tài xế đặc biệt là xe ôm công nghệ đã chuyển hướng dần sang kết hợp vừa chở khách và giao nhận đồ ăn.

Anh Đỗ Văn Nam, một tài xế của Be cho biết: “Buổi trưa, mọi người gọi ship đồ ăn rất nhiều. Có ngày tôi giao đến 40 - 50 suất, thu nhập có thể dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày”. Chị Đồng Hải Vân, quản lý một công ty thời trang tại quận Cầu Giấy cho biết, đối với một số hàng hóa cồng kềnh, công ty chị sẵn sàng gọi taxi “quen” để chuyên chở và giao hàng luôn cho đối tác, tránh việc các nhân viên phải đi theo xe. Đó cũng được coi là cơ hội cho nhiều tài xế taxi, xe ôm công nghệ đỡ cảnh ế ẩm.
Nhiều tài xế xe ôm công nghệ của Grab cũng đang tích cực kết hợp cả hai hình thức vận chuyển khách và giao hàng để có thêm thu nhập. Các tài xế bày tỏ mong muốn, Grab sẽ giảm mức phần trăm phải nộp về hãng (hiện là 20% doanh thu), để đảm bảo thu nhập tối thiểu.

Anh Dương Văn Canh - tài xế taxi Group cho biết, suốt thời gian, mức hỗ trợ của hãng với các tài xế là rất thấp, chỉ 300.000 đồng/xe/tháng, trong khi doanh thu sụt giảm mạnh. Sau nhiều kiến nghị, hãng đã chấp nhận giảm giảm 50% phí báo đàm cho tài xế từ 1/4; giảm phí sảnh chờ tại các bến xe: Gia Lâm và Giáp Bát, Mỹ Đình… “Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất cắt hẳn các loại phí này trong thời gian dịch bệnh, chúng tôi cũng sẽ không sử dụng đàm và sảnh chờ do công ty cung cấp” - anh Canh cho hay.

Đáp lại đề xuất đó, lãnh đạo Taxi Group cho biết, nếu không sử dụng đàm và sảnh chờ, thì sẽ tiến hành thu xe về bãi, chờ hết dịch bệnh Covid-19 mới có phương án giải quyết. Điều này gây khó khăn cho các tài xế trong bối cảnh hiện nay.

Đại diện Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) cho biết, đơn vị này đang nỗ lực khuyến cáo người dân, tài xế lái xe, các trạm BOT tuân thủ và áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng. Hiện nay, trên toàn quốc đã triển khai thu phí tự động không dừng tại các quốc lộ: 1, 5, 10, 14, 17B, 18, 21B, 32, 38… với 36/44 trạm thu phí đã hoàn thành triển khai thu phí tự động không dừng.

Hiệp - Hải - Luân

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h