|
Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, xe quá tải. Ảnh:VGP |
Chiều 15/7, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, 6 tháng đầu năm (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/6/2022), toàn quốc xảy ra 5.703 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.314 người, bị thương 3.690 người. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 663 vụ (10,41%), tăng 79 người người chết (2,44%), giảm 793 người bị thương (17,69%). 13 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trên đường bộ và 1 vụ trên đường thủy, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 30 tỉnh, thành phố có số người chết do tai nạn giao thông giảm, nhưng ngược lại, vẫn còn 26 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2021.
Phân tích nguyên nhân cho thấy, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép, vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe... còn diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải còn nhiều hạn chế.
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ ra rằng, 90% số vụ tai nạn giao thông là do vi phạm của người điều khiển phương tiện gây ra, trong đó nguyên nhân là ý thức đạo đức, lái xe sử dụng rượu, bia, vi phạm tốc độ, không chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Bước vào giai đoạn 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều thách thức, áp lực đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có văn bản yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về các trường hợp cấm uống rượu, bia; gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe; tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể vi phạm.
Cùng với đó, các địa phương phải đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình đầu tư, nâng cấp và kế hoạch bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ trước điểm giao cắt với đường sắt và tại nút giao giữa đường nhánh với đường chính; tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT mùa mưa, lũ.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo lực lượng công an tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục CSGT, kế hoạch năm ATGT 2022 của địa phương; ưu tiên kiểm tra, xử lý người có hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý khi lái xe; tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm hành vi chở hàng hoá quá tải trọng.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng các địa phương và UBND cấp huyện phải tổ chức kiểm tra khối lượng khoáng sản trước khi đưa ra khỏi khai trường theo quy định tại Nghị định 158 của Chính phủ.
Đồng thời sử dụng cân xách tay kiểm soát tải trọng xe ô tô tải chở hàng hoá tại vị trí lối ra/vào các đầu mối tập kết vật liệu xây dựng, các mỏ khoáng sản chưa lắp đặt cân kiểm tra khối lượng, xử lý nghiêm lái xe, chủ xe và người xếp hàng lên xe có hành vi vi phạm; Không cấp mới, gia hạn giấy phép đối với các mỏ khoáng sản không thực hiện đúng quy định tại Nghị định 158.
Các thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chú trọng các giải pháp chống ùn tắc giao thông khi hoạt động kinh tế đang trở lại mạnh mẽ.