Nâng cao chất lượng xe buýt Thủ đô: Cần giải pháp tổng thể

VĂN TRỌNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chất lượng xe buýt ở Thủ đô đang được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên để xe buýt thực sự thu hút được người dân vẫn còn nhiều thách thức cần giải pháp tổng thể.

Còn nhiều thách thức

Nhiều thập kỷ qua, xe buýt vẫn luôn là loại hình phương tiện vận tải hành khách công cộng có lịch sử gắn bó lâu dài ở Thủ đô, có giá rẻ nhất, phổ biến nhất của Hà Nội.

Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó có 132 tuyến trợ giá; 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour. Thành phố có 11 đơn vị vận tải tham gia hoạt động buýt với hơn 2.300 phương tiện. Mỗi ngày đảm nhận vận chuyển hàng chục nghìn hành khách.

Hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân tại Hà Nội rất cao trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế. Áp lực ùn tắc giao thông đang là cản trở sự phát triển kinh tế của Thủ đô cũng như trở thành bức xúc của người dân.

Nang cao chat luong xe buyt Thu do: Can giai phap tong the - Hinh anh 1
Ông Thái Hồ Phương - - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, phát biểu tại buổi tọa đàm “Cách nào nâng chất lượng xe buýt Thủ đô?” 

Với các đô thị lớn như Hà Nội, không có cách nào giải bài toán này ngoài việc phát triển giao thông công cộng, trong đó có xe buýt.

Cho đến nay xe buýt vẫn là phương tiện vận tải hành khách công cộng có giá rẻ bậc nhất thủ đô. Vai trò của xe buýt vẫn không thể thay thế. Từng là phương tiện chủ yếu phục vụ học sinh, sinh viên và người lớn tuổi, đến nay một bộ phận dân công sở, văn phòng đã sử dụng xe buýt để đi làm.

Điều này cho thấy hình ảnh xe buýt, chất lượng xe buýt đang dần tốt lên. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay xe buýt vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, người dân vẫn mong muốn phương tiện này sẽ cùng với các tuyến metro là phương tiện chủ lực của Hà Nội thay thế xe cá nhân nên tâm lý của đại đa số người dân xe buýt phải đi nhanh hơn xe cá nhân, xe buýt cần nâng cao chất lượng hơn nữa…

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Cách nào nâng chất lượng xe buýt Thủ đô?” do báo Giao thông tổ chức, Ông Thái Hồ Phương - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho hay, sản lượng 9 tháng đầu năm ước đạt được trên 350 triệu lượt khách tăng 58,9% so với cùng kỳ, đáp ứng tỉ lệ 19,5% so với nhu cầu.

Nang cao chat luong xe buyt Thu do: Can giai phap tong the - Hinh anh 2
 Ông Nghiêm Quốc Thắng - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội.

"Chúng ta trải qua 3 năm Covid-19 rất thách thức khó khăn, trong đó có lúc vận tải khách công cộng phải dừng hoạt động 82 ngày. Đó là một thử thách đưa bao giờ có. Hiện tại so với kỳ vọng còn nhiều khó khăn tuy nhiên, chúng tôi rất nỗ lực để thực hiện tối đa nhất có thể cùng với sự đồng hành của doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, thông tấn để nâng cao vận tải khách công cộng" -  ông Phương nói.

Theo PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ GTVT chia sẻ: “Chúng ta nhìn nhận việc sử dụng phương tiện công cộng mang lại nhiều lợi ích, nhưng người dân vẫn chưa thấy được họ được lợi gì cho cá nhân. Do đó, nhiều người vẫn thích sử dụng phương tiện cá nhân để thuận tiện cho họ”.

Nhìn nhận thực tế, người dân còn hạn chế trong tiếp cận với giao thông công cộng. Chúng ta có nhiều ngõ hẹp, người dân trong đó để ra đến điểm đỗ phương tiện công cộng sẽ rất xa nên họ ngại. Chưa kể, chúng ta cũng còn hạn chế về việc sử dụng vỉa hè. Vỉa hè bị chiếm dụng, chen lấn nên người đi bộ không cảm thấy an toàn, chưa kể thời tiết nắng nóng, mưa gió. Một số nơi cũng không có chỗ để cho người dân để phương tiện cá nhân để đi phương tiện công cộng.

Gỡ khó cho vận tải HKCC

Theo nghị quyết 48 của Chính phủ đặt ra đến 2025 vận tải hành khách công cộng chiếm 30-35%, liệu chúng ta có đạt được mục tiêu đó hay không?

Theo ông Nghiêm Quốc Thắng - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, mục tiêu này là rất thách thức.

“Để thúc đẩy xe buýt, cần các đơn vị tư nhân mạnh tham gia. Lấy ví dụ xe buýt Vinbus, ông Thắng chỉ ra, dịch vụ rất tốt, thái độ lái/phụ xe rất hòa nhã, cách thức vận hành rất bài bản. Nếu có những đơn vị tư nhân như Vinbus tham gia thì vận tải công cộng của chúng ta sẽ thay đổi" -  ông Thắng khẳng định.

Nang cao chat luong xe buyt Thu do: Can giai phap tong the - Hinh anh 3
 PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ GTVT.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Nhật - Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus cho rằng, những mong muốn có đạt được không còn phụ thuộc vào các bên và vai trò lớn là của Nhà nước. Muốn xe buýt đi nhanh hơn, dịch vụ hấp dẫn hơn cần những ưu tiên về cơ chế chính sách như trợ giá... Đó là điều doanh nghiệp không tự chủ được.

Theo ông Nhật, góc độ thứ hai là vai trò của doanh nghiệp. Cơ chế chính sách không thể chạy nhanh được theo các yêu cầu của đời sống. Do đó, doanh nghiệp phải xác định nỗ lực trong khi chờ những chính sách ưu tiên, nhất là nỗ lực trong việc tăng chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, muốn đạt được mục tiêu này cần sự đồng hành của cộng đồng.

Nang cao chat luong xe buyt Thu do: Can giai phap tong the - Hinh anh 4
Ông Nguyễn Công Nhật - Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus. 

Ông Thái Hồ Phương - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho rằng, sự chưa hài lòng của hành khách đa số liên quan đến chất lượng thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên bán vé.

“Chúng tôi đang rà soát tổng thể mạng lưới tuyến, sắp tới sẽ điều chỉnh dịch vụ, lộ trình, tần suất biểu đồ 71 tuyến để nâng chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, ở thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên bán vé hiện đơn vị chưa có đủ nguồn lực, thông tin hàng ngày. Do đó, rất cần sự giám sát của người dân, báo chí để làm thước đo xử phạt vi phạm hợp đồng, thước đo cho sự hài lòng của hành khách” – ông Thái Hồ Phương chia sẻ.

Tin liên quan