|
Bộ GTVT yêu cầu siết chặt công tác quản lý cước vận tải. |
Chiều 15/2, tin từ Bộ GTVT cho biết, cơ quan này vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai công tác điều hành giá năm 2022 theo văn bản số 882 ngày 10/2/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Trong văn bản gửi đi, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Các Cục chuyên ngành, Bộ GTVT yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải.
Đồng thời, các đơn vị trên cần tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, rà soát biến động chi phí đầu vào đối với các dịch vụ do Bộ quản lý, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh, báo cáo Bộ GTVT báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá quyết định trên cơ sở kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị đánh giá, sửa đổi hoàn thiện thể chế pháp luật về giá để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện; chủ động rà soát các quy định pháp luật về giá và thẩm định giá tại pháp luật chuyên ngành trước khi ban hành, bảo đảm không có quy định chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Giá.
Ngoài ra, các đơn vị cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành, bình ổn giá. Chủ động gỡ khó cho sản xuất kinh doanh và lưu thông phân phối hàng hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đẩy mạnh thực hiện công tác kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bộ GTVT nhấn mạnh, các cơ quan, đơn vị phải tính toán các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, đánh giá tác động đối với kinh tế xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động có phương án điều hành phù hợp khi có dư địa, nhất là đối với các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các dịch vụ công thực hiện theo lộ trình thị trường.
“Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng. Các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị về Bộ GTVT trước ngày 10/03/2022” – trích văn bản của Bộ GTVT.