Cảnh quan hai bên tuyến đường đô thị: Điệp khúc lộn xộn chưa có hồi kết

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Để giải quyết triệt để nhà “siêu mỏng, siêu méo”, xây dựng các tuyến đường đồng bộ, văn minh, việc lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị bắt buộc phải được thực hiện trước khi phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường.

Tuy nhiên, tại Hà Nội thiết kế đô thị thường đi sau mở đường nên điệp khúc nhà siêu mỏng, xây dựng lộn xộn khi mở đường không biết đến bao giờ mới thôi được nhắc tới.
Căn bệnh dễ biết, khó chữa!
Đi dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng (dự án mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long) vào thời điểm hiện tại không khó để bắt gặp nhiều căn nhà có hình thù kỳ dị mỏng, méo mới được xây dựng. Ngã tư Cổ Nhuế giao với Phạm Văn Đồng là khu vực hiện tượng này xuất hiện nhiều nhất. Nhiều hộ dân do bị giải phóng mặt bằng nên đã xén phần lớn diện tích nhà, thế nhưng họ vẫn nhanh chóng sửa chữa, xây mới cho thuê kinh doanh hay thậm chí để ở.
Canh quan hai ben tuyen duong do thi: Diep khuc lon xon chua co hoi ket - Hinh anh 1
Nhà siêu mỏng trên đường Võ Chí Công. Ảnh: Công Hùng
Cách đó không xa, tuyến phố Khúc Thừa Dụ (quận Cầu Giấy) cũng đang trở nên lộn xộn với những ngôi nhà biến dạng, méo mó thuộc các cụm số nhà: 27, 89, 65… Tình trạng nhà biến dạng còn xuất hiện nhan nhản nhiều năm nay trên các tuyến đường của Hà Nội như Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Võ Chí Công, Xã Đàn, Ô Đông Mác đến đê Nguyễn Khoái…
Không những thế, đường phố mới tuy rộng rãi thênh thang nhưng chỗ thì hàng loạt nhà ống cao chót vót, chỗ lại là tình trạng nhà cửa hai bên đường nhỏ bé, tủn mủn với một trật tự và kiến trúc hết sức lộn xộn, thiếu thẩm mỹ. Hệ thống cây xanh đường phố, tiện nghi môi trường còn thiếu.
Các chuyên gia quy hoạch đô thị đều cho rằng, tình trạng này là hậu quả của sự quy hoạch thiếu đồng bộ. Khi xây dựng, mở rộng các tuyến đường thì đó là quy hoạch giao thông nhưng đây chỉ là quy hoạch ngành, chưa gắn được với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và còn những quy hoạch khác.
Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, gốc của vấn đề nằm ở quy hoạch đô thị, khi làm các dự án đường qua các khu dân cư đã ở ổn định cần được tính toán kỹ. Việc quy hoạch triển khai các dự án làm đường phải đồng thời quy hoạch hai bên tuyến đường, ngăn chặn nhà siêu mỏng, siêu méo không để phát sinh chứ không phải chạy theo xử lý từng trường hợp.
Năm 2009, Hà Nội cũng đã tính đến phương án mở đường rộng kết hợp xây chung cư tại dự án đường Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái. Và đây sẽ là đoạn đường đầu tiên của Hà Nội được mở rộng kết hợp nghiên cứu quy hoạch xây dựng tuyến phố 2 bên đường, nhằm chỉnh trang đô thị và ngăn tình trạng nhà "siêu mỏng" phát sinh sau mở đường. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành mở rộng vào năm 2016 thì những ngôi nhà mỏng, méo vẫn xuất hiện tại đây.
Chậm được phê duyệt
Để giải quyết tận gốc những ngôi nhà siêu mỏng, tạo những tuyến phố đồng bộ, các chuyên gia cho rằng quan trọng nhất là cần phải có sự kết hợp giữa các ngành quy hoạch, để tạo ra một kế hoạch hành động cụ thể cho từng ngành... Khi một tuyến đường có đồ án thiết kế đô thị chi tiết và quy định quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan sẽ tác động đến việc cấp phép xây dựng, khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng.
Bởi khi người dân xin cấp phép xây dựng thì sẽ được cơ quan chức năng định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan tại đồ án thiết kế đô thị. Và đương nhiên, cơ quan này sẽ từ chối cấp phép cho những trường hợp khu đất quá nhỏ, hẹp, khuyến cáo người dân phải hợp khối để đủ điều kiện cấp phép.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô có hiệu lực từ tháng 7/2013 đã tạo cho Hà Nội một cơ chế rất đặc biệt là khi mở đường phải đồng thời nghiên cứu hai bên tuyến đường đó. Tùy theo khu vực cụ thể mà có thể lấy từ chỉ giới đỏ vào thêm 50 hoặc 100m.
Đặc biệt khi giải phóng mặt bằng, ngoài giải phóng trong ranh giới tuyến đường thì nên giải phóng cả không gian hai bên tuyến đường để đảm bảo xây dựng. Mở rộng đến đâu thì trong luật đã giao quyền cho HĐND phê duyệt từng trường hợp cụ thể để UBND ra quyết định thực hiện.
Đây là cơ chế đặc thù và tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho Hà Nội, thế nhưng thời gian qua chúng ta vẫn chưa làm được và tình trạng xây dựng nhà cửa lôm nhôm vẫn xuất hiện khi mở đường. “Không thể chỉ chú trọng việc mở đường mà phải quan tâm tới quy hoạch hai bên đường, quy hoạch cảnh quan, diện tích nhà thế nào, mặt tiền ra sao, có như vậy thì Thủ đô mới khang trang” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, TS. KTS Trần Minh Tùng (Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, Hà Nội nên học cách làm thành công của TP Đà Nẵng. Khi mở đường thay vì giải phóng mặt bằng đến chân chỉ giới đường đỏ, TP Đà Nẵng thực hiện quy hoạch mở rộng vệt giải tỏa khi thu hồi đất dọc hai bên đường. Điều này giúp chính quyền có điều kiện chỉnh trang đô thị, hạn chế bất công khi những hộ gia đình ở sau, khi quy hoạch được ra mặt tiền một cách tự nhiên.
Cùng với đó, điều này tạo ra quỹ đất vàng trong kêu gọi đầu tư, bán đấu giá xây dựng các khu thương mại, dịch vụ với giá cao giúp TP có nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo điều kiện đầu tư các công trình phúc lợi xã hội khác.
“Với phương án này hoàn toàn có thể giải được bài toán mỹ quan đô thị, những gì lộm nhộm được đẩy về phía sau mặt tiền mỗi con đường để xử lý. Cách làm này đã từng được Hà Nội áp dụng khi mở rộng tuyến phố Chùa Bộc vào năm 1995” - TS. KTS Trần Minh Tùng cho biết.
Hà Nội đã được mở rộng, có tốc độ đô thị hóa nhanh, các dự án mở đường để đáp ứng yêu cầu phát triển vì thế cũng sẽ được thực hiện nhiều trong thời gian tới. Để giải quyết nạn nhà “siêu mỏng, siêu méo”, các cơ quan quản lý cần dành sự quan tâm thực sự tới vấn đề quy hoạch cảnh quan mỗi khi tiến hành các dự án mở đường.

"Đến thời điểm hiện tại mới có một số đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị hai bên tuyến đường do Trung tâm Quy hoạch Kiến trúc của Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập (trước thuộc Sở QH - KT) được phê duyệt. Viện cũng được TP giao lập đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị hai bên một số tuyến đường, một số đồ án đã hoàn thành thì chưa được phê duyệt, còn lại vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu." -KTS Lưu Quang Huy -Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội


"Hà Nội nên học cách làm thành công của TP Đà Nẵng. Khi mở đường thay vì giải phóng mặt bằng đến chân chỉ giới đường đỏ, TP Đà Nẵng thực hiện quy hoạch mở rộng vệt giải tỏa khi thu hồi đất dọc hai bên đường. Điều này giúp chính quyền có điều kiện chỉnh trang đô thị, hạn chế bất công khi những hộ gia đình ở sau, khi quy hoạch được ra mặt tiền một cách tự nhiên." -TS. KTS Trần Minh Tùng -Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội

Vũ Lê

Tin liên quan