Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 Chương, 33 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023; quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật quy định, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động là sử dụng biện pháp vũ trang và các biện pháp công tác khác để thực hiện các nhiệm vụ: Tấn công, ngăn chặn đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc con tin, sử dụng bạo lực xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức; Giải tán các vụ tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự; Bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; Tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự.
|
Cảnh sát cơ động được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách. |
Cảnh sát cơ động được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ thuộc một trong các trường hợp: Chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; Bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; Sử dụng tàu bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho Cảnh sát cơ động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
Cảnh sát cơ động cũng có quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Cảnh sát cơ động tuần tra, kiểm soát khu vực, tuyến, địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự hoặc khi có sự kiện chính trị quan trọng. Hoạt động tuần tra, kiểm soát phải tuân thủ quy định của pháp luật, phương án, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó.
Thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ thuộc Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ độc lập; Người chỉ huy trực tiếp của Cảnh sát cơ động tại hiện trường quyết định huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động huy động người, phương tiện, thiết bị có trách nhiệm hoàn trả ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. Trường hợp người, phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định.
Việc Cảnh sát cơ động vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗ ở của thành viên các cơ quan này tại Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.