Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tiếp tục hư hỏng: Sửa chắp vá để “câu giờ”?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Kể từ khi “bê bối” về chất lượng mặt đường tại gói thầu A3 bị phát hiện vào đầu tháng 10/2018 tới nay, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi liên tục xuất hiện những điểm hư hỏng, xuống cấp tại nhiều vị trí khác nhau.

Cao toc Da Nang - Quang Ngai tiep tuc hu hong: Sua chap va de “cau gio”? - Hinh anh 1
Công nhân sửa chữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Thành

Ngày 29/11, nhiều tài xế đi trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phản ánh đã phát hiện trên tuyến đường này có nhiều “ổ gà”. Các vị trí hư hỏng xảy ra ở gói thầu A3, do nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) thi công.

Sửa chỗ này chỗ khác lại hỏng

Đặc biệt tại Km107, đoạn qua thôn Phú Lễ, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện nhiều vị trí mặt đường bị bong tróc lớp nhựa trên bề mặt, tạo ra những “ổ gà”, có chỗ đường kính  10 - 15cm hoặc lớn hơn. Nhiều “ổ gà” trong số này đã được vá lại bằng xi măng, vết vá còn tương đối mới (theo người dân thôn Phú Lễ thì những điểm bong tróc trên mới được vá lại vào ngày 27/11). Vẫn nhiều “ổ gà” còn nguyên trạng, chưa được xử lý. 

Trước đó, do tính chất nghiêm trọng của sự việc, Bộ GTVT đã yêu cầu tạm dừng thu phí trên toàn tuyến trong vòng 15 ngày để các đơn vị sửa chữa, vá lại những điểm hư hỏng. Tuy nhiên, từ sau khi được tái thu phí, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi liên tục bị phát hiện những vấn đề liên quan đến chất lượng đường và cầu. Hàng chục cây cầu, cống thuộc tuyến đường này bị thấm, rỉ nước và nghiêm trọng hơn là bị lún nứt ở phần mố cầu.

Điển hình là cầu VD06 (km18+600) bị lún ở mố A2 (phải), cầu VD07 (km18+840) lún ở mố A1 (phải), A2 (trái). Các cầu này bị lún tại các vị trí tiếp giáp giữa phần đường và mố cầu, gây ra hiện tượng đứt gãy, nứt lớp nhựa đường. Trong đó, một số vị trí có vết nứt lớn và kéo dài, có thể dễ dàng đưa cả ngón tay vào được. Riêng mặt cầu Kỳ Lam có đoạn bị sụt lún, một số vị trí không bằng phẳng, lớp bê tông nhựa có dấu hiệu bị bong tróc, ùn ứ khiến việc lưu thông của các phương tiện gặp khó khăn. Đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) thừa nhận tình trạng lún nứt đầu cầu, đầu cống và tình trạng bong tróc mặt đường tạo ra “ổ gà” vừa được phát hiện là có thật và xảy ra trong quá trình vận hành, khai thác đường.

Có vấn đề

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị khẳng định: “Về mặt khoa học thì cùng một tuyến đường, chất lượng các đoạn đường đều như nhau. Chỗ nào nền đất yếu sẽ bị hư hỏng trước, chỗ nào hệ số cơ học đất tốt hơn sẽ bị sau. Thậm chí có những đoạn mấy năm sau mới bị hỏng. Do đó, với việc liên tục xuất hiện các điểm bong tróc, lún nứt như hiện nay thì tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ còn tiếp tục phát sinh hư hỏng nữa”.

Ông Thủy cho hay, có hai vấn đề cần phải kiểm tra, làm rõ. Thứ nhất là vấn đề hồ sơ thiết kế, cần làm rõ thiết kế có đảm bảo những điều kiện phù hợp với thổ nhưỡng cũng như địa chất thực tế của tuyến đường này không; có kẽ hở bị lợi dụng để luồn lách, sai phạm hay không. Thứ hai là vấn đề thi công, xem có bị cắt xén, thay đổi vật tư, thậm chí là cắt bớt các công đoạn thi công cần phải có để hoàn thành tuyến đường với chất lượng tốt nhất hay không.

Ông Thủy cũng như một số chuyên gia khi được hỏi đều cho rằng, việc tuyến đường xuất hiện hư hỏng quá sớm cộng với việc “vấn đề thi công nhà thầu bán đi bán lại nhiều lần” khiến chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra nghi vấn về việc cắt xén, thay đổi vật tư trong quá trình thi công. Nếu vật tư tốt thì tại sao mới đưa vào sử dụng có một tháng đã bị hỏng rồi mà giờ lại tiếp tục bị lồi lõm, hỏng tiếp. Nếu vật tư tốt thì tại sao xảy ra vết nứt cầu bị rỉ nước?

Về cách xử lý của Bộ GTVT và VEC đối với tình trạng hư hỏng đường, cầu liên tục xảy ra tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong thời gian qua, nhiều chuyên gia giao thông đánh giá, việc cho sửa chữa chắp vá thay vì kiểm tra, sửa chữa toàn tuyến là cách làm mang tính chất “câu giờ” và để trốn tránh trách nhiệm. “Bộ GTVT là đơn vị kí lệnh phê duyệt dự án nên sẽ rất khó xử.

Cho nên người ta hy vọng rằng có thể sửa chữa cục bộ để kéo dài 1 - 2 năm, sau đó trách nhiệm sẽ dễ dàng hơn. Nhưng mà không may nó lại tiếp tục phát sinh hư hỏng quá sớm và liên tục. Việc Bộ GTVT áp dụng cách hỏng chỗ nào sửa chỗ đấy như hiện nay là cách làm khôn khéo, trốn tránh trách nhiệm” - ông Xuân Thủy nhận định.

Bộ GTVT và các cơ quan liên quan có thể chọn phương án khả thi hơn là thực hiện khoan xác suất tại nhiều điểm trên toàn tuyến đường để xác định chính xác chất lượng đường. Từ kết quả thu được, đem so sánh với tiêu chuẩn đường theo quy định sẽ có câu trả lời cho câu hỏi chất lượng thi công có đảm bảo không, có tình trạng rút ruột công trình hay không? Bộ GTVT có nhiều đơn vị khoa học trực thuộc, hoàn toàn có thể kiểm tra được chất lượng toàn bộ tuyến được theo cách trên.

 TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị

Quý Nguyễn/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan