Chính thức khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào ngày 6/11

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND TP Hà Nội đã chính thức công bố thời điểm dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại.

Chinh thuc khai thac thuong mai tuyen duong sat Cat Linh - Ha Dong vao ngay 6/11 - Hinh anh 1
 Đại diện Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí tại buổi họp báo.  Ảnh: Quý Nguyễn

Khai thác thương mại ngay sau lễ bàn giao

Chiều nay (4/11), Bộ GTVT tổ chức buổi họp báo công bố thông tin, kế hoạch bàn giao khai thác giai đoạn đầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi họp báo. Về phía Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn tham dự cuộc họp báo.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sáng 6/11, lễ bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chính thức diễn ra. Ngay sau lễ bàn giao, dự án sẽ được vận hành chính thức từ 7 giờ cùng ngày.

“Dự án chậm 6 năm với nhiều vướng mắc về GPMB, quy chuẩn tiêu chuẩn công nghệ, năng lực quản lý hệ thống, nguồn vốn vay… Đây là tuyến đường sắt đầu tiên tại Việt Nam và Hà Nội, dù các công nghệ, quy định đều khó khăn vướng mắc, nhưng đến nay, sau 10 năm kể từ khi thực hiện dự án đã về đích” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nói.

Về kế hoạch khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, dự án sẽ phục vụ miễn phí hành khách đi tàu trong 15 ngày đầu sau khi đưa vào khai thác thương mại. Trong giai đoạn đầu, cả 13 đoàn tàu đều đưa vào luân phiên vận hành. Giai đoạn 15 ngày đầu là 3 đoàn tàu vận hành liên tục, sau đó tăng lên 6 đoàn tàu. Từ tháng thứ 7 sẽ tăng lên 9 đoàn tàu. Còn khai thác cụ thể tùy thuộc vào nhu cầu hành khách.

Cũng liên quan nội dung trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, 13 đoàn tàu của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chỉ là một nửa số đoàn tàu dự kiến, bởi sau đó tuyến này sẽ được kéo dài lên Xuân Mai và sẽ có tổng số tới 23 - 26 đoàn tàu.

Chinh thuc khai thac thuong mai tuyen duong sat Cat Linh - Ha Dong vao ngay 6/11 - Hinh anh 2
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẵn sàng để khai thác thương mại.  Ảnh: Lê Anh 

Khách đi tuyến ngắn có lợi về giá vé

Về phía đơn vị khai thác và vận hành dự án, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết kế hoạch vận hành giai đoạn đầu tính tối thiểu 1 năm từ bàn giao.

Trong đó, 6 tháng đầu sau tiếp nhận sẽ vận hành từ thấp đến cao để phù hợp với mức độ sử dụng dịch vụ của người dân và điều hành một cách linh hoạt (giờ mở tuyến 5 giờ và đóng tuyến 23 giờ, 1 tuần đầu 15 phút/chuyến, tuần sau 10 phút chuyến, nhưng nếu khách đông sẽ điều chỉnh tần suất giờ tàu chạy nhằm tiết kiệm và hiệu quả.

“Trong vòng 15 ngày đầu này sẽ miễn phí hành khách đi tàu, sau đó sẽ thu tiền. Sáu tháng sau sẽ mở tuyến từ 5 giờ 30 và đóng tuyến 23 giờ 30, tần suất 6 phút/chuyến” - ông Trường nói.

Thông tin rõ hơn về giá vé, ông Vũ Hồng Trường cho biết, khi dự án đưa vào khai thác thương mại, sau 15 ngày đầu phục vụ miễn phí thì giá vé lượt của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ giao động từ 8.000 - 15.000 đồng/chặng (tùy độ dài chặng khách đi).

Vé tháng với khách bình thường là 200.000/người/tháng, nhóm ưu tiên là 100.000 đồng/tháng và miễn phí với khách ưu tiên đặc biệt tương tự như khách đi xe buýt. Vé tháng tính theo kỳ 30 ngày, từ ngày nộp tiền. Toàn bộ khách đi tàu được mua bảo hiểm.

Ông Vũ Hồng Trường nhấn mạnh, đối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông, hành khách đi tuyến ngắn thì giá vé sẽ thấp, càng đi dài giá vé sẽ càng cao. Điều này sẽ có lợi cho hành khách, bởi theo nghiên cứu thì người dân có nhu cầu đi tàu chặng ngắn chiếm tỉ trọng cao hơn.

Về những phát sinh, vướng mắc trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu dự án, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) Vũ Hồng Phương khẳng định, tới nay quá trình triển khai có xảy ra vướng mắc do cách hiểu khác nhau về quy định, định nghĩa trong hợp đồng, nhưng chưa tới mức tranh chấp phải khiếu nại, chưa phải đưa ra Trọng tài quốc tế.

Chinh thuc khai thac thuong mai tuyen duong sat Cat Linh - Ha Dong vao ngay 6/11 - Hinh anh 3
 Sáng 6/11 sẽ tổ chức lễ bàn giao và đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác thương mại.  Ảnh: Lê Thanh

Sẽ xem xét trách nhiệm rõ ràng

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những vướng mắc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và bài học rút ra từ dự án này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ dự án đã đúc rút ra được 5 bài học quý giá.

Một trong những bài học đó là cần tách mặt bằng khỏi dự án để không ảnh hưởng dự án. Bên cạnh đó, khi triển khai dự án cũng cần đồng bộ chính sách, quy định, tiêu chuẩn để tránh vướng mắc khi triển khai mới phát sinh.

Về công tác chuẩn bị đầu tư, để dự án được triển khai tốt nhất hay như cần nâng cao trình độ đội ngũ nhân sự, qua dự án cũng trưởng thành hơn, để sau này làm tốt hơn và rút kinh nghiệm trong thủ tục hồ sơ để trình Hội đồng kiểm tra các dự án sau này thuận lợi hơn.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, những vướng mắc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong thời gian qua, trách nhiệm cao nhất thuộc về chủ đầu tư là Bộ GTVT. “Tới đây, Bộ GTVT sẽ phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm các bên liên quan” - ông Nguyễn Ngọc Đông nói.

Đánh giá về nguyên nhân khiến dự án đội vốn, chậm tiến độ, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, trách nhiệm chính thuộc về Tổng thầu EPC (Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc); Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường sắt với vai trò chủ đầu tư, chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án; Tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư (Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI). Chủ đầu tư phần GPMB chịu trách nhiệm về chậm trễ trong công tác này.

Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng (Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh).

Hiện nay, Ban Quản lý dự án đường sắt đang rà soát các điều khoản trong Hợp đồng EPC, xác định rõ trách nhiệm của Tổng thầu và các bên liên quan để giải quyết những vướng mắc phát sinh theo quy định pháp luật và hợp đồng đã ký.

Quá trình thực hiện dự án
Từ năm 2008 đến tháng 8/2014 Dự án do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, từ tháng 8/2014 đến nay, dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Ban quản lý dự án Đường sắt làm đại diện chủ đầu tư. Ngoài ra các đơn vị tham gia chính gồm:
Đơn vị thi công là Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC).
Tư vấn giám sát là Công ty TNHH giám sát xây dựng - Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Tư vấn đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống là Liên danh tư vấn Apave - Certifer - Tricc (Tư vấn ACT).
Tháng 10/2011, dự án chính thức được khởi công xây dựng và cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 11/2018.
Từ tháng 12/2018, dự án thực hiện căn chỉnh đồng bộ, vận hành thử kỹ thuật và vận hành thử nghiệm. Do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đến cuối tháng 12/2020, dự án mới hoàn thành công tác chạy thử liên động toàn hệ thống.
Trong thời gian chạy thử 20 ngày, Tổng thầu EPC đã thực hiện vận hành hơn 5.740 chuyến tàu chạy, với tổng số hơn 70.000km vận hành an toàn dưới sự giám sát bởi các đơn vị tư vấn giám sát, Tư vấn đánh giá an toàn, những cơ quan chức năng và Hội đồng kiểm tra Nhà nước.
 

NGUYỄN QUÝ/KTĐT

Tin liên quan