|
Tình trạng các phương tiện tham gia giao thông thường xuyên di chuyển vào làn đường dành riêng cho tuyến buýt nhanh BRT đang diễn ra phổ biến. Ảnh: Vietnammoi
|
Đầu năm 2017, Hà Nội chính thức triển khai mô hình xe buýt nhanh BRT với hy vọng mang đến cho hành khách thêm một lựa chọn phương tiện công cộng với ưu thế nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời giúp giảm tải áp lực giao thông trên các tuyến đường. Một trong những điều kiện để xe buýt BRT vận hành hiệu quả là làn đường dành riêng, nhằm đảm bảo rút ngắn thời gian chuyến đi.
Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội cho biết việc có làn đường ưu tiên dành riêng đã giúp tăng tốc độ khai thác của tuyến BRT cao hơn 30% so với các phương tiện thông thường. Đặc biệt tỷ lệ chuyến xe xuất bến đúng giờ lên đến 98%. Ngoài việc hành khách có tăng trưởng thì đây là tuyến có số lượng hành khách sử dụng vé tháng 1 tuyến lớn nhất toàn mạng, đáng chú ý là trong đó tỷ lệ cán bộ công nhân viên chức sử dụng tuyến BRT chiếm trên 50% số người đi lại thường xuyên. Điều này cho thấy thời gian chuyến đi chính là yếu tố vô cùng quan trọng để hấp dẫn, thu hút hành khách.
“Vấn đề thời gian chuyến đi chính là yếu tố và điều kiện để thu hút những đối tượng mà bó buộc về thời gian rất lớn ví dụ như cán bộ công chức. Tuyến BRT này mặc dù chúng tôi nhận thấy là còn nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả hoạt động cũng như các vấn đề xung quanh của tuyến này nhưng đánh giá về sức thu hút của vận tải công cộng thì khẳng định rằng các tuyến này có sự ưu tiên, có sự khác biệt so với phương tiện cá nhân thì mới thu hút được hành khách”.
Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay tình trạng các phương tiện tham gia giao thông thường xuyên di chuyển vào làn đường dành riêng cho tuyến buýt nhanh BRT đang diễn ra phổ biến.
Khảo sát tại các tuyến đường Tố Hữu, Láng Hạ, Giảng Võ, trục đường có làn đường dành riêng cho tuyến xe buýt BRT chạy qua, dễ dàng bắt gặp cảnh các phương tiện tràn vào làn đường dành riêng này. Đáng nói, không chỉ vào các khung giờ cao điểm mà bất cứ thời gian nào trong ngày cũng có thể thấy các phương tiện cố tình đi vào làn xe buýt nhanh, bất chấp biển cấm và loa phát thanh hướng dẫn nhường đường cho xe BRT.
Cụ thể, theo số liệu trích xuất camera đặt trên đường Quang Trung, bình quân 1 giờ có 308 phương tiện chạy vào làn BRT. Lượng xe máy lấn làn BRT chiếm 85,4%, ô tô con chiếm 10,4%, xe tải chiếm 2,2% và các phương tiện khác là 0,4%.
Trong khi đó, trên đường Tố Hữu, bình quân 1 giờ có 707 phương tiện chạy vào làn BRT. Xe máy chiếm 86,2%, ô tô con chiếm 11,6%, xe tải chiếm 0,8% và phương tiện khác là 0,5%.
Tình trạng lấn làn của các phương tiện đã khiến tuyến xe buýt BRT chưa đảm bảo trong khung thời gian 40 - 45 phút hoàn thành một chuyến. Trong các khung giờ cao điểm, hầu hết các xe phải cần tới 65 - 75 phút mới có thể về đến bến cuối.
|
Từ đầu năm 2019 đến nay, Công TP Hà Nội đã phạt nguội trên 1.500 trường hợp với số tiền trên 2 tỷ đồng; trong đó xử phạt tới 343 trường hợp đi vào làn BRT. Ảnh: Báo Lao động |
Trên toàn thành phố hiện có 200 camera xử phạt nguội, tại 56 nút giao thông. Từ khi các tuyến buýt BRT đi vào hoạt động, các lực lượng chức năng đã xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát cũng như tuần tra, kiểm soát ngoài các trục đường. Tuy nhiên, vi phạm vẫn không hề thuyên giảm
Theo thống kê của lực lượng Công an TP Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã phạt nguội trên 1.500 trường hợp với số tiền trên 2 tỷ đồng; trong đó xử phạt tới 343 trường hợp đi vào làn BRT.
Liên quan đến công tác giám sát hoạt động của tuyến buýt BRT, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết: Việc giám sát hoạt động của tuyến buýt BRT và giao thông trên hành lang BRT hiện nay được thực hiện thông qua hệ thống camera giám sát trên tuyến. Hình ảnh camera đã được truyền về Trung tâm điều hành của Xí nghiệp buýt nhanh của Tổng công ty vận tải. Tuy nhiên, việc vi phạm lấn làn BRT hiện nay khá lớn, đặc biệt là với xe máy.
Ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ một số khó khăn trong quá trình triển khai:
“Chúng ta chưa có nhận diện xe máy trong khi tần suất và lưu lượng xe máy khá lớn, thứ hai là chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu để lưu trữ và tìm ra được chủ sở hữu của xe máy do đó việc xử lý vi phạm đối với xe máy hiện nay khá là khó khăn. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm còn có một vai trò rất quan trọng của việc xử lý trực tiếp trên tuyến. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng không thể có đủ nguồn nhân lực để có thể trực thường xuyên, tất cả các ca hoạt động của tuyến BRT được”.
Theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, thời gian gần đây, Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT đã triển khai việc định kỳ chuyển file hình ảnh vi phạm cho phòng CSGT để xác minh và xử lý các trường hợp vi phạm.
Mặc dù vậy, để hạn chế việc lấn làn BRT, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng cần nhiều yếu tố, trước hết là vấn đề nhân lực, nếu có đủ lực lượng để trực chốt trên tuyến để tiến hành xử lý vi phạm thường xuyên, kiên quyết thì tình trạng này sẽ được giảm nhẹ.
Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn nhân lực còn hạn chế thì cần khai thác triệt để ứng dụng công nghệ. Và hơn hết, mỗi người dân phải nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, có như vậy tuyến xe buýt nhanh BRT mới thực sự phát huy được hiệu quả.