|
Đường ven sông Lừ đã cho đi từ lâu mà chưa thấy tổ chức giao thông, lòng đường biến thành chợ, nhiều đoạn trở thành bãi rác... |
17h45 phút chiều thứ 3, ngày 5/12, tuyến đường ven sông Lừ nối từ đường Định Công tới cầu Đặng Xuân Bảng, hàng đoàn phương tiện xếp hàng dài gần như không thể di chuyển.
Trong khi đó lòng đường đã biến thành chợ, không một bóng dáng của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Tuyến đường này xe đã được phép đi lại từ vài năm trở lại đây nhưng chưa hề có lễ thông xe chính thức.
Và khi những điểm ùn tắc xuất hiện dày hơn, thường xuyên hơn trên tuyến đường ven sông Lừ thì nhiều người tham gia giao thông không khỏi băn khoăn vì sao đường đã cho đi từ lâu mà chưa thấy tổ chức giao thông đâu?!
Cụ thể, điểm giao cắt với đường vào khu đô thị mới Định Công, với 3 cây cầu sắt qua sông, với cầu Định Công, đoạn qua chung cư CT36 và đặc biệt ngã tư cầu Đặng Xuân Bảng là những điểm “nóng” đang ngày càng trở nên quen thuộc trên đường ven sông Lừ, do không có đèn tín hiệu giao thông.
Lý giải điều này, ông Phạm Hải Bình, Chủ tịch UBND Phường Đại Kim cho biết, về quản lý thì tuyến đường ven sông Lừ (phía giáp hồ Rùa) thuộc địa bàn giáp ranh 2 Phường Đại Kim và Định Công (quận Hoàng Mai). Đơn vị chủ quản là Dự án thoát nước sông Lừ giai đoạn 2 hiện vẫn chưa bàn giao cho địa phương, nên phường chỉ có thể cử lực lượng hỗ trợ điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc:
"Đối với Đại Kim chúng tôi đã đề xuất xâp thêm 2 cầu tạm, cầu Be-lây để giảm tải cầu đấy ra. Trước mắt là như vậy. Thứ 2 nữa là đề xuất lắp thêm đèn tín hiệu. Trước mắt là 2 việc đấy".
Con đường ven sông này tiểm ẩn nhiều rủi ro tai nạn giao thông. Ngoài ra, đây cũng là một trong những điểm ùn tắc mới xuất hiện trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên VOVGT, ngoại trừ các điểm đầu cầu tạm có lực lượng chức năng, còn ngã tư hai đầu cầu Đặng Xuân Bảng thì gần như bị ..bỏ quên, nên giao thông rất phức tạp. Thiếu tuần tra kiểm soát, tuyến đường này thậm chí còn trở thành..thiên đường đổ trộm phế thải suốt thời gian qua.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng phòng Kết cậu hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, nếu đơn vị thi công chưa bàn giao cho địa phương thì trách nhiệm đầu tiên vẫn là của chủ đầu tư:
"Anh phải làm đầy đủ theo quy định vừa đang khai thác và vừa thi công trước tiên đã, anh đã có biển báo chỉ dẫn, anh đã có sơn kẻ theo đúng các quy định, tổ chức ứng trực trong quá trình triển khai thực hiện các công tác đầu tư xây dựng cái đó chưa đã".
Theo tìm hiểu của VOVGT, Chủ đầu tư dự án thoát nước sông Lừ giai đoạn 2 là Ban Cấp thoát nước môi trường HN. Trả lời VOVGT về lý do vì sao đơn vị chưa triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc, ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Ban Cấp thoát nước Hà Nội cho hay:
"Dự án này hiện đang trong giai đoạn quyết toán và phải chờ ý kiến của Cục Giám định chất lượng - Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng HN, sau đó mới tiến hành bàn giao cho chính quyền địa phương".
Tuy nhiên, theo đại diện Sở GTVT HN, ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư, các lực lượng chức năng, trong đó có Sở GTVT, chính quyền quận, trong quá trình đi kiểm tra thấy mất an toàn cũng phải tổ chức giao thông, dẹp cợ cóc, chợ tạm, từ đó đề xuất các phương án tổ chức giao thông cho tốt hơn.
Còn ông Phạm Hải Bình- Chủ tịch phường Đại Kim-Q. Hoàng Mai thì cho rằng, về lâu dài,vẫn phải chờ phía dự án bàn giao đường cho Quận để thống nhất quản lý cả về tổ chức giao thông và an ninh trật tự thì mới giải quyết được tình trạng này.