Theo đó, Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần đã đăng ký vận hành 10 tuyến xe buýt bằng xe chạy điện trên địa bàn thành phố và cam kết đầu tư 150 - 200 phương tiện cao cấp với hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại; đầu tư trung tâm quản lý và vận hành xe buýt thông minh, đề-pô và hệ thống trạm sạc pin tại các điểm đầu cuối, bãi đỗ xe ban đêm để đáp ứng yêu cầu vận hành của hệ thống xe buýt điện; làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để bảo đảm các xe buýt điện đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phù hợp với các quy chuẩn quốc gia hiện hành của Việt Nam; các tuyến mở mới có điều kiện cơ sở hạ tầng để lắp đặt các trạm sạc pin cung cấp năng lượng.
Trên cơ sở ý kiến của các sở, ngành liên quan, UBND thành phố Hà Nội cho rằng, việc sử dụng xe buýt điện phù hợp với chủ trương của Trung ương và thành phố, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ phương tiện sử dụng năng lượng sạch, bảo đảm các yêu cầu an sinh xã hội, phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, theo quy định, loại hình xe buýt điện chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên chưa có cơ sở để tổ chức đấu thầu, đặt hàng theo đúng quy định nên cần được Chính phủ, các bộ, ngành xem xét tháo gỡ.
Từ thực tế trên, để triển khai thực hiện, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng cho phép thành phố được tạm thời áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá như đối với xe buýt năng lượng sạch sử dụng khí CNG đang hoạt động trên địa bàn thành phố để thực hiện theo phương thức đặt hàng cung cứng dịch vụ đối với Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần. UBND thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đặt hàng tạm thời theo đơn giá tạm tính.
Khi có định mức, đơn giá chính thức được phê duyệt sẽ điều chỉnh cho phù hợp và tiến hành công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo đúng quy định. Thời gian thí điểm dự kiến từ 9 đến 12 tháng kể từ ngày chính thức đưa dự án vào hoạt động thí điểm.