Hà Nội mở cửa trở lại, liệu có thiếu shipper?

VŨ KHOA
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội, số lượng nhân viên giao hàng (shipper) được phép hoạt động cũng được giới hạn để giảm thiểu lây truyền dịch bệnh. Ở các phân vùng 1 và 2,3, hoạt động của nhóm shipper có phần khác biệt, nhưng tồn tại điểm chung là dư đơn hàng, thiếu người vận chuyển.

Thừa hàng, thiếu người vận chuyển

Tại Gia Lâm, anh Lê Văn Việt, hành nghề vận chuyển hàng hóa cho biết, bản thân bắt đầu nhận được đơn gửi từ các cửa hàng bán mang về sau khi TP thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9, và có một chút thu nhập sau cả tháng không đi làm do mã đăng ký không được duyệt.

Tại nhiều địa phương vùng 2, 3, các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ cung cấp đồ ăn, thực phẩm thuộc diện được mở bán mang về nhanh chóng đi vào hoạt động. Nhiều shipper như anh Việt cũng tỏ ra vui mừng vì có việc sau thời gian xe phải “đắp chiếu”.

Việc đi lại lẽ ra sẽ thuận tiện hơn đối với lực lượng shipper tại các vùng 2,3 khi không cần sử dụng giấy đi đường cũng như mã xác nhận nếu chỉ di chuyển trong địa bàn huyện. Tuy nhiên, không ít cửa hàng chưa kịp vui mừng đã phải nghỉ, trong đó có lý do phát sinh từ khó khăn trong giao, gửi hàng khi đi qua các chốt.

Anh Nguyễn Văn Đức, chủ chuỗi bánh mỳ “Ngói” tại Đan Phượng cho biết, cơ sở đã đóng cửa chỉ sau 2 ngày hoạt động vì không có shipper giao hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do việc đi lại không thống nhất, nơi được đi, nơi không dẫn đến tâm lý sợ bị phạt nên các shipper buộc phải từ chối nhận hàng.

Bên cạnh đó, không ít gia đình thuộc vùng xanh có trồng trọt thêm rau, củ, quả muốn gửi đồ vào vùng 1 cho người thân để giảm bớt chi phí sinh hoạt, nhưng cũng “bó tay” vì thiếu hẳn lực lượng vận chuyển, trong khi số lượng nhỏ lẻ nên không thể gửi qua xe tải có luồng xanh.

Tại khu vực quận thuộc vùng 1, hoạt động của các shipper tiếp tục được siết chặt khi phải có đầy đủ xác nhận đã đăng ký qua tin nhắn của Sở GTVT, có kết quả xét nghiệm âm tính với Sar-CoV-2 còn thời hạn, giấy đi đường khi ra, vào qua các chốt phân vùng và được giới hạn hoạt động 11 tiếng mỗi ngày.

Anh Vương Quốc Long, shipper của hãng Shopee Express cho biết, dù có nhiều khách quen muốn gửi đồ đi các nơi, nhưng anh Long thường từ chối với lý do không đủ thời gian và chỉ được vận chuyển hàng hoàng hóa, bưu phẩm do công ty giao theo quy định. Thực tế này cho thấy tình trạng thừa hàng, thiếu shipper đang diễn ra phổ biến ở các địa phương do gặp rất nhiều bất cập trong lưu thông.

Ha Noi mo cua tro lai, lieu co thieu shipper? - Hinh anh 1
 Các shipper được phép hoạt động luôn bận rộn với các cuộc điện thoại gọi giao, trả hàng hóa.

Áp dụng tiêu chí thống nhất

Ngày 15/9, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 3084/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, từ 12h00 ngày 16/9/2021, đối với các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của Chủ tịch UBND TP) được hoạt động một số cơ sở kinh doanh với nguyên tắc đánh giá, phân loại các vùng theo mức độ nguy cơ và có biện pháp phù hợp với từng vùng để “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”;

Chủ tịch UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thống nhất nguyên tắc, tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch trong các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, kinh doanh, đảm bảo sinh kế của người dân.

Theo Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, điều chỉnh của TP rất phù hợp với mong muốn, nhận được nhiều sự ủng hộ của Nhân dân Thủ đô. Về nhu cầu giao thương trong thời gian các cơ sở được hoạt động trở lại, vị Chuyên gia cho biết sẽ có nhu cầu lớn, nhất là nhóm vận chuyển bằng xe 2 bánh, do đó, yêu cầu về tính thống nhất tại các quận, huyện là cần thiết để tránh tình trạng cơ sở được hoạt động nhưng vẫn phải đóng cửa trong thời gian vừa qua, nhưng thực tế là chưa nhiều địa phương có phương án cụ thể với nhóm shipper.

Ha Noi mo cua tro lai, lieu co thieu shipper? - Hinh anh 2
 Nhu cầu về vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô, 2 bánh là khá cao với người dân Thủ đô.

Đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô, xe 2 bánh tại Vùng 1, mới đây Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành văn bản về việc tuân thủ các quy định đối với các DN sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Cụ thể, Sở thông báo các DN cần chấn chỉnh đội ngũ nhân viên giao hàng được cấp giấy đi đường có mã nhận diện không làm thêm bên ngoài.

Nhận định về vấn đề này, Chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, bên cạnh việc áp dụng những yêu cầu khắt khe, cơ quan quản lý cũng nên nghiên cứu để có biện pháp “mở lối” cho giao thương bằng xe 2 bánh qua app công nghệ - vốn nhanh chóng và thuận tiện hơn hẳn thời gian chờ đợi phát hàng ở đơn vị bưu chính.

 “Hoạt động giao lưu hàng hóa, giữa nông thôn, thành thị, giữa vùng xanh, vùng đỏ còn bất cập vì các yêu cầu quá khắt khe, dẫn đến người dân không được thụ hưởng các sản phẩm do nông nghiệp tạo nên. Ví dụ, nông sản, rau, củ ở ngoại thành rất nhiều, có nơi gà, vịt ế nhưng không tiêu thụ được. Trong khi đó ở nội thành, siêu thị tuy có nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu” – ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội.

“Đôi khi người dân buộc phải ra đường, tới cơ quan, đơn vị dù không muốn vì các loại giấy tờ, hồ sơ.. không thuộc loại hình thiết yếu nên lực lượng shipper từ chối vận chuyển. Mặt khác, khi TP thực hiện nới lỏng tại một số địa phương, hàng, quán hoạt động trở lại tạo ra nhu cầu đặt hàng tại nhà tăng cao. Nên chăng, Hà Nội cần bổ sung thêm lực lượng shipper để giải quyết nhu cầu của người dân, DN” - anh Nguyễn Quốc Triều - Trưởng tầng 25 tòa CT2 chung cư Hateco Apolo. 

 

 

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h