Hành khách ồ ạt trả lại vé tàu Tết: Giải pháp nào tốt cho doanh nghiệp, lợi cho người dân?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Việc hành khách ồ ạt trả lại vé tàu Tết Nguyên đán Tân Sửu đã khiến ngành đường sắt rơi vào tình trạng bị động và lúng túng. Trong khi đó, nhiều người dân cũng gặp những bất tiện nhất định. Vậy đâu là giải pháp “tốt cho cả hai”?

Không có đủ tiền mặt để trả lại cho khách
Theo thống kê của ngành đường sắt, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại đến nay, hành khách đã trả lại hơn 32.000 vé tàu Tết. Ở chiều ngược lại, các DN đường sắt cũng đã trả lại cho khách hơn 30 tỷ đồng cho khách hủy vé. Cao điểm như trong ngày 1/2 vừa qua đã có tới hơn 11.000 vé tàu bị khách hàng trả lại. Trong đó, Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội ghi nhận số vé tàu trả lại khoảng 5.000 vé với số tiền trả lại 5 tỷ đồng; Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn khách trả lại khoảng 6.000 vé, với số tiền trả lại 6 tỷ đồng.
Đây được ghi nhận là số vé tàu bị trả lại nhiều nhất từ trước tới nay của ngành đường sắt. Đặc biệt, khách trả lại chủ yếu vé tàu đi từ Nam ra Bắc trước Tết Nguyên đán và Bắc vào Nam sau Tết Nguyên đán. Đây phần lớn là vé khứ hồi. Điều này khiến ngành đường sắt vốn vừa trải qua một năm đầy khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đại diện ngành đường sắt cho biết, do số lượng vé trả lại quá lớn, nên thiếu lượng tiền mặt để trả lại cho khách.
 Một trong những chính sách được ngành này đưa ra là hoàn tiền chậm - khách trả vé nhưng sẽ được hoàn tiền sau 90 ngày, hoặc khách trả vé được bảo lưu tiền để đặt vé tàu lần sau. Đây là cách được các DN hàng không áp dụng để giảm áp lực dòng tiền mặt phải trả lại cho khách trong một thời điểm. Phương án này được Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đưa ra và áp dụng từ ngày 2/2 - 28/2/2021(tức từ 21 tháng Chạp năm Canh Tý đến 17 tháng Giêng năm Tân Sửu).
Theo như phương án này, nếu hành khách muốn trả vé ngay, phí trả vé là 30%, hành khách chỉ được nhận tiền sau 90 ngày tính từ ngày trả vé. Hành khách có thể thực hiện việc trả vé tại các nhà ga hoặc trả vé online qua website dsvn.vn ít nhất trước 24 giờ so với giờ khởi hành. Ngoài ra, còn một phương án khác cũng được ngành đường sắt đưa ra để hành khách lựa chọn đó là phương án bảo lưu tiền vé và sử dụng để đi các ngày khác trong năm 2021. Tuy nhiên, phương án này đang không nhận được sự lựa chọn của số đông. Thậm chí, khá nhiều hành khách dù lựa chọn phương án 1 nhưng vẫn không thoải mái bởi họ cho rằng bản thân đã mất 30% giá vé rồi lại còn phải đợi đến 90 ngày để quay trở lại nhà ga một lần nữa lấy tiền là bất tiện.
 Hãy “trải lòng” để nhận lại sự chia sẻ
 Trên thực tế, việc hành khách ồ ạt trả vé tàu Tết diễn ra chủ yếu ở phía Nam, mà đơn vị ảnh hưởng trực tiếp là Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn Lê Quốc Trung cho biết, lượng vé tàu Tết hành khách trả lại tăng đột biến từ đầu tháng 3/2021. Trước đó, từ ngày 28 - 31/1, lượng vé trả lại không quá nhiều, chỉ khoảng 7.000 vé/ngày cho cả hai công ty cổ phần vận tài đường sắt Hà Nội và Sài Gòn. Tuy nhiên, với sự tăng đột biến lượng vé trả lại trong khoảng 2 - 3 ngày trở lại đây đã khiến ngành đường sắt, đặc biệt là Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, thật sự gặp khó.
 Ông Lê Quốc Trung tính toán, chỉ tính riêng 10.000 vé khách trả lại trong ngày 1/2, số tiền ngành đường sắt phải trả lại lên tới 13 tỷ đồng. “Áp lực trả vé dồn dập, tiền bán vé đã trả cho chi phí sản xuất như phí điều hành GTVT, mua nhiên liệu, vật tư, trang thiết bị phục vụ trên tàu... nên trả ngay một lúc sẽ khó khăn” – ông Lê Quốc Trung nói và cho biết thêm, do chưa kịp thời điều tiết nguồn tiền nên có thời điểm DN đường sắt rơi vào tình trạng thiếu tiền cục bộ bởi lượng tiền phải hoàn lại cho khách quá lớn. “Vào thời điểm khó khăn này, ngành đường sắt mong khách hàng thông cảm, chia sẻ. Đơn vị nào cũng vậy, chi phí phải bỏ ra cũng đã chi rồi, khách trả vé nhưng tàu vẫn phải chạy vì vẫn có khách đi” – ông Lê Quốc Trung giãi bày.
 Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cho rằng, việc ngành đường sắt gặp khó khăn đã có từ lâu nhưng không phải ai cũng biết. Còn đối với việc người dân ồ ạt trả vé vì lo ngại dịch bệnh Covid-19 là điều hết sức bình thường. Chỉ có điều, tình huống này đang diễn ra theo chiều hướng gây khó khăn cho cả hai phía.
“Trong câu chuyện này, việc đổ lỗi cho bất kỳ phía nào cũng đều không đúng. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là hai bên phải biết hiểu và thông cảm cho nhau, từ đó sẽ tìm ra hướng giải quyết thỏa đáng” – TS Nguyễn Hữu Đức nói. TS Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng, các DN đường sắt nên “trải lòng” nhiều hơn để người dân, công luận biết rõ những khó khăn thật sự đang gặp phải. Bất kỳ sự chia sẻ chân thành nào đều sẽ dễ nhận được sự thông cảm tương xứng. “Có thể 100% người dân đều chia sẻ, thông cảm thì khó, nhưng chắc chắn sẽ có rất nhiều người sẵn sàng thông cảm nếu như họ được ngành đường sắt “trải lòng” với mình” – TS Nguyễn Hữu Đức cho biết.Đối với khách hàng, TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, nếu họ được chia sẻ và hiểu rõ khó khăn của ngành đường sắt, họ cũng sẵn sang chia sẻ, cảm thông. “Người dân nước ta luôn được biết đến với đức tính rộng lượng, dễ cảm thông và chia sẻ. Như trường hợp vừa qua báo chí đã đăng, một người phụ nữ rơi mất 30 triệu đồng, ngay lập tức đã nhận được sự giúp đỡ của mọi người đó thôi” – TS Nguyễn Hữu Đức nhận định.

Dịch Covid-19 bùng phát bất ngờ đã gây xáo trộn lớn công việc kinh doanh vận tải đường sắt của chúng tôi. Các quy định như thế là công ty đã cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và rất mong được sự chia sẻ của hành khách. Về đề nghị của hành khách được thanh toán thuận lợi hơn sau 90 ngày, không phải đến ga nữa, chúng tôi sẽ ghi nhận và sớm có giải pháp phù hợp hơn, sau khi làm việc với Liên danh nhà thầu FPT, đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm bán vé.

Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội Nguyễn Viết Hiệp

Tôi vừa làm thủ tục trả 8 vé khứ hồi Hà Nội – Yên Trung, phí trả vé là 1,5 triệu đồng tại Ga Hà Nội. Tôi đọc báo và theo dõi thì biết rõ tình hình kinh doanh của 2 công ty vận tải đường sắt đang gặp quá nhiều khó khăn. Đây dường như là giải pháp tốt nhất có thể mà họ có thể đưa ra, hành khách nên chia sẻ khi đường sắt đã tốn hàng tỷ đồng chi phí lập tàu, chuẩn bị đầu máy, toa xe vận tải Tết, có điều làm thế nào để thanh toán online cho hành khách khỏi đi lại nhiều, mất công đến ga nhiều lần.

Hành khách Nguyễn Hưng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

Quý Nguyễn - An Thanh

Tin liên quan