Không sử dụng ngân sách Nhà nước tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới

THANH TRUNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tiễn, quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không sử dụng ngân sách Nhà nước, theo đúng quy định tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Khong su dung ngan sach Nha nuoc to chuc ban phao hoa chao mung nam moi - Hinh anh 1
Không sử dụng ngân sách Nhà nước tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới. 

Đó là nội dung tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tiễn, quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không sử dụng ngân sách Nhà nước, theo đúng quy định tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui xuân, kỷ niệm ngày truyền thống, gặp mặt, hội nghị, Tết trồng cây… an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thông văn hóa của dân tộc và phong tục tập quán của từng địa phương.

Tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng, các cấp chính quyền cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu tại Chỉ thị này tại địa phương mình, đặc biệt chú trọng việc kiểm soát dịch bệnh, quan tâm, hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp Nhân dân nhất là các gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ; theo dõi, nắm tình hình chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh nghiệp, nhất là người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm tạm thời để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.


Tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an ninh, an toàn xã hội, phòng, chống cháy nổ. 

Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng pháo nổ và vật liệu nổ; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân. 

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Chỉ thị cũng nêu rõ, nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không sử dụng ngân sách Nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định; không tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan; chỉ dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công.

Các bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc Tết thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giao tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng thường trực làm nhiệm vụ trong ngày Tết, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Thực hiện tốt chính sách an sinh, xã hội, phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc, chăm lo đời sống của vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm mọi người đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết.

Tăng cường quán triệt, chỉ đạo, phát hiện, ngặn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong giải quyết công việc; tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. 

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm.

Tin liên quan