|
Bến xe, phương tiện công cộng vắng hoe do thông tin dịch bệnh Covid - 19. Ảnh: Ngọc Hải |
Choáng váng vì sụt giảm lượng khách
Nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid - 19 đang phủ bóng đen lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và vận tải là một trong những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên, nặng nề nhất. Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như cho học sinh, sinh viên nghỉ học dài hạn; tạm ngừng các lễ hội… đã khiến lượng hành khách sụt giảm trầm trọng, khiến nhiều DN vận tải choáng váng. Theo thống kê của các bến xe khách trên địa bàn Hà Nội, lượng khách liên tỉnh đã giảm từ 30 - 50% trong những ngày qua.
Lãnh đạo Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, chưa có năm nào mà lượng khách trong dịp sau Tết và Lễ hội Xuân lại vắng như năm nay. Hầu hết các nhà xe đều chạy cầm cự, không có lãi, thậm chí là thua lỗ nặng. Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng thông tin, các hãng taxi tại Hà Nội đã mất khoảng 30 - 40% lượng khách và doanh thu. Các tuyến xe buýt của Hà Nội cũng lâm vào cảnh đìu hiu. Theo ghi nhận, chuyến xe ngay trong giờ cao điểm cũng chỉ đạt khoảng từ 50 - 70% công suất.
Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội Phùng Thị Lý Hà cho hay, lượng vé trả trong dịp Tết Nguyên đán khi có thông tin dịch Covid - 19 là 26.630 vé, đơn vị đã phải hoàn lại cho khách hơn 13 tỷ đồng. 6 đôi tàu khách Thống nhất, 1 đôi tàu SP1/2 trên tuyến Hà Nội - Lào Cai đã phải ngừng chạy do lượng hành khách sụt giảm quá lớn. Doanh thu vận tải hành khách tháng 2 và 3 của đơn vị dự kiến chỉ đạt được 50% kế hoạch.
Một DN vận tải chuyên tuyến Hà Nội - Nghệ An than thở: “Chưa có năm nào mà ngay cuối kỳ nghỉ Tết, những chuyến xe ra Hà Nội đã thừa ghế, thừa giường. Thậm chí, có chuyến chúng tôi chỉ đón được hơn chục người, không đủ chi phí xăng dầu, lương lậu”.
Cần sự hỗ trợ của Nhà nước
Không có những biểu hiện nặng nề như vận tải hành khách nhưng vận tải hàng hóa cũng đang dần “ngấm đòn” do tác hại của dịch bệnh Covid - 19. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, dịch bệnh khiến một chuỗi dây chuyền tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm bị ngưng trệ. Các ngành du lịch, ăn uống giảm mạnh doanh thu do vắng khách; các TP lớn thiếu đi hàng triệu học sinh, sinh viên tỉnh xa. Tình trạng này khiến các nhà cung cấp nhu yếu phẩm, thực phẩm cũng lâm cảnh ế ẩm, hàng hóa không tiêu thụ được. “Và dĩ nhiên, nó khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm đáng kể, các DN vận tải hàng bị ảnh hưởng rất lớn” - ông Thắng nhận định.
Trước tình hình đó, nhiều DN vận tải đã bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp của Nhà nước. Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng: “Ngành vận tải là xương sống của nền kinh tế, trong lúc khó khăn, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ DN, giảm lãi suất vay ngân hàng, giãn thời gian trả nợ; xem xét miễn giảm thuế, phí… để DN có thêm điều kiện vượt qua giai đoạn trước mắt”.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, mức độ thiệt hại của ngành vận tải chưa được các nhà quản lý, ngân hàng nhìn nhận đầy đủ. Chính vì thế nên những ngày qua, nhiều biện pháp hỗ trợ nông nghiệp, thương mại… đã được thực hiện nhưng hỗ trợ cho vận tải lại chưa có. Ông Nguyễn Mạnh Thắng nhìn nhận: “Vận tải là một trong những ngành kinh tế có sức chịu đựng khá kém do lệ thuộc quá lớn vào doanh thu hàng ngày và chi phí đầu vào cao. Nếu không được hỗ trợ, vận tải sẽ “gục” trước tất cả các ngành kinh tế khác trong bối cảnh sụt giảm hành khách, hàng hóa nghiêm trọng như hiện nay”.
Hàng không thiệt hại hơn 10.000 tỷ đồng
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, chỉ riêng từ ngày 1 - 7/2/2020 (một tuần sau khi dừng khai thác đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc), tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so cùng kỳ năm 2019, trong đó riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%). Sản lượng vận chuyển của các hãng không Việt Nam đạt 1,06 triệu khách, giảm 4%, trong đó vận chuyển quốc tế giảm 28% so cùng kỳ năm 2019. Thống kê sơ bộ cho thấy, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 của các hãng hàng không Việt Nam lên tới khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. (Quý Nguyễn)