|
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành. Trong ảnh: Các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông vận hành hệ thống camera giám sát tại Trung tâm Điều khiển giao thông Hà Nội. Ảnh: Hữu Tiệp |
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Hà Nội đang trong những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019 để bước sang năm mới Canh Tý 2020. Những ngày này, lượng người tham gia giao thông lớn, nên nhiều tuyến phố, nút giao thông trọng điểm vào nhiều thời điểm trong ngày đã xuất hiện tình trạng ùn ứ.
Tại khu vực cầu vượt Thái Hà trên phố Tây Sơn (quận Đống Đa) cứ đến giờ cao điểm là xảy ra ùn tắc cục bộ ở cả hai chiều. Ông Nguyễn Mạnh Đào, Phó Trưởng ban Bảo vệ dân phố phường Trung Liệt (quận Đống Đa) cho biết, nguyên nhân do làn đường trên cầu vượt hẹp, chỉ đủ cho một xe ô tô cùng một xe máy đi cùng lúc, trong khi lượng phương tiện đổ về vào các giờ cao điểm rất lớn dẫn đến tình trạng ùn tắc cục bộ. Đây cũng là tình trạng chung của phố Tây Sơn do tuyến phố này có nhiều ngõ ngách giao cắt, lưu lượng phương tiện lớn, trong khi làn đường hẹp.
“Để giải quyết trước mắt tình trạng này, lực lượng Cảnh sát giao thông, công an quận, phường; các tổ tự quản, bảo vệ dân phố được huy động hướng dẫn, phân luồng giao thông trong các giờ cao điểm, dịp lễ, Tết”, Trung tá Phạm Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 3 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội) cho biết.
Đường Trường Chinh (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng) vốn là “điểm nóng” về ùn tắc giao thông thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Phong (trú ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho biết, do đang thi công đường Vành đai 2, làn đường bị thu hẹp, mặt đường lồi lõm, nên thời điểm nào trong ngày các phương tiện qua đây di chuyển cũng gặp khó khăn.
Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, dù đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, song ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô vẫn đang diễn biến phức tạp mà nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ phương tiện giao thông cá nhân gia tăng quá nhanh trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp. Trong năm 2019, thành phố đã xử lý được 10/33 điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm và 15/21 “điểm đen” về tai nạn giao thông, song lại phát sinh 10 điểm ùn tắc mới. Do vậy, kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông vẫn là những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong năm 2020 này.
Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2020, các lực lượng chức năng thành phố đã đồng loạt ra quân nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm 5-10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí; xử lý dứt điểm từ 8 đến 10 điểm ùn tắc còn tồn tại của năm 2019.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đơn vị đã chủ động nắm tình hình tại các khu vực cửa ngõ thành phố để xây dựng phương án cảnh báo, hướng dẫn, phân luồng giao thông từ xa, hạn chế đến mức thấp nhất ùn tắc giao thông.
Khi phát hiện tình hình có diễn biến phức tạp, xảy ra ùn ứ cục bộ, nguy cơ cao dẫn tới ùn tắc kéo dài, các đơn vị sẽ phối hợp triển khai đồng loạt các biện pháp, đồng thời thông báo trên các kênh thông tin về giao thông để nhân dân biết, vòng tránh. Cùng với đó, đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện như có nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, chở quá số người quy định...
|
Lực lượng liên ngành của thành phố Hà Nội xét nghiệm ma túy đối với lái xe kinh doanh vận tải hành khách. Ảnh: Tuấn Lương |
Từng bước xây dựng giao thông thông min
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được các địa phương, đơn vị chức năng tiếp tục chú trọng thực hiện trong năm 2020. Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cho biết, để thực hiện mục tiêu phấn đấu kiềm chế, giảm 5-10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí; giảm 5-10% số điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, quận tập trung tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân; rà soát các tuyến đường đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật để có thể bố trí, sắp xếp tạm thời các điểm trông giữ phương tiện, đáp ứng nhu cầu thực tế; duy trì các tổ công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm hè đường, hành lang an toàn giao thông và các hành vi vi phạm khác...
Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, trong năm 2020, cùng với tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là các dự án trọng điểm như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, các tuyến đường Vành đai 1, 2, 3...; thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành giao thông; tập trung lắp đặt hệ thống camera giám sát trên địa bàn các quận, huyện kết nối về Trung tâm Điều khiển giao thông của thành phố, coi đây là giải pháp đột phá trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành giao thông.
Bổ sung thêm về vấn đề này, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho hay, Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông đã có đề án báo cáo Giám đốc Công an thành phố tham mưu để UBND thành phố Hà Nội xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh. Trong đó có một số công tác trọng tâm như xây dựng hệ thống trung tâm điều khiển giao thông thông minh; hệ thống chức năng điều khiển tín hiệu giao thông thông minh; hệ thống kiểm soát vi phạm trật tự an toàn giao thông; cổng thông tin và hướng dẫn giao thông cho người dân…
Tin rằng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông sẽ còn nhận được sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần giảm ùn tắc và tai nạn trong thời gian tới, mà trước mắt là bảo đảm giao thông đi lại thuận tiện, dễ dàng trong dịp Tết Nguyên đán.