Phi công duy trì kỹ năng bay trong mùa dịch bằng cách nào?

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Hoạt động bay thương mại bị tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến đội ngũ phi công gặp không ít khó khăn trong việc duy trì kỹ năng bay. Vậy đâu là giải pháp được lựa chọn?

Phi cong duy tri ky nang bay trong mua dich bang cach nao? - Hinh anh 1
Dịch bệnh Covid-19 khiến hàng loạt máy bay phải "nằm đất" (Ảnh: Hòa Thắng).

Máy bay “nằm đất”, phi công... ngồi nhà

Ngày 30/8 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam dừng việc mở bán vé trên các đường bay nội địa cho tới khi có thông báo mới; đồng thời tiến hành hoàn trả tiền vé đã bán sau ngày 21/7 tới nay.

Đây là động thái cần thiết và kịp thời của Cục Hàng không Việt Nam trong bối cảnh nhiều hãng hàng không vẫn thông báo khuyến mại và mở bán vé lịch bay theo lịch giãn các xã hội của các địa phương (sau giãn cách dự kiến) dù trên thực tế hiện các hãng hàng không đều đã tạm dừng khai thác những đường bay thương mại chở khách nội địa.

Chỉ có chuyến bay phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như chở lực lượng phòng chống dịch, chở người dân về quê theo thỏa thuận của các địa phương được duy trì.

Yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam nhằm tránh nguy cơ chịu thiệt thòi cho hành khách mua vé máy bay vào thời điểm này khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và thời gian giãn cách của nhiều địa phương sẽ có khả năng tiếp tục phải kéo dài.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chưa biết đến thời điểm nào, những chuyến bay thương mại nội địa mới được nối lại và những tàu bay sẽ còn tiếp tục phải “nằm đất” còn đội ngũ phi công cũng chưa thể trở lại bầu trời. Đây chính là vấn đề không nhỏ đối với phi công bởi việc nghỉ dịch kéo dài và không được bay thường xuyên sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến kỹ năng bay của phi công.

Phi cong duy tri ky nang bay trong mua dich bang cach nao? - Hinh anh 2
 Tập luyện trong buồng lái mô phỏng là giải pháp tốt để phi công duy trì kỹ năng bay trong thời gian nghỉ dịch (Ảnh: Lê Thanh).

Giải pháp từ buồng lái mô phỏng

Để giải quyết vấn đề trên, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản  gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị cho phép các trung tâm huấn luyện trên buồng lái mô phỏng (SIM) để phi công hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện các trung tâm huấn luyện bay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tạm dừng hoạt động, thực hiện giãn cách xã hội từ đầu tháng 5 để phòng, chống dịch, nhưng theo yêu cầu về bảo đảm an toàn khai thác bay, phi công phải duy trì liên tục trình độ kỹ năng, huấn luyện định kỳ trên thiết bị SIM. Đây là yêu cầu bắt buộc, không thể thay thế bằng các hình thức huấn luyện khác.

Do đó, Cục Hàng không đã đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho phép các trung tâm huấn luyện bay được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội. Những phi công được tham gia huấn luyện tại các trung tâm này với điều kiện đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, chỉ tối đa 4 phi công trong 1 ca huấn luyện, áp dụng nghiêm quy định 5k của Bộ Y tế. Cảng vụ hàng không miền Nam có nhiệm vụ theo dõi sát sức khẻo phi công trước, trong và sau huấn luyện.

Phi cong duy tri ky nang bay trong mua dich bang cach nao? - Hinh anh 3
 Ngành Hàng không đang trải qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: Hòa Thắng).

Để phi công luôn trong tư thế sẵn sàng

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không cho biết, theo quy định của ngành hàng không thì tất cả phi công đều phải được rèn luyện thường xuyên và đáp ứng quy định về khả năng sẵn sàng bay.

“Quy định bắt buộc một phi công phải duy trì thực hiện thành công ít nhất 3 hoạt động cất và hạ cánh, một trong số đó dùng công nghệ hạ cánh tự động trong buồng lái trong thời gian 90 ngày” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Theo chuyên gia hàng không này, mỗi phi công thương mại cần có ít nhất 3 lần cất/hạ cánh vào thời gian ban đêm trong vòng 90 ngày để đủ điều kiện bay bất kể thời gian ban ngày hay ban đêm. Nguyên nhân của quy định này đến từ việc thời gian ban đêm sẽ làm hạn chế tầm nhìn của người điều khiển nên duy trì cất/hạ cánh trong điều kiện ban đêm là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, phi công cũng cần phải thực hiện nhiều bài kiểm tra thường niên khác như: Kiểm tra đánh giá năng lực để duy trì giá trị bằng lái. Mỗi hãng hàng không cũng có thêm các yêu cầu đánh giá khác, chẳng hạn như Kiểm tra năng lực vận hành 6 tháng/1 lần.

Ngoài ra, phi công còn phải vượt qua hàng loạt các kì kiểm tra khác như kiểm tra giấy phép, kiểm tra trình độ mỗi 6 tháng. Họ cũng phải tham gia nhiều khóa huấn luyện bắt buộc khác như cứu hỏa, sơ cứu, sơ tán... Chính vì thế, họ phải được tập luyện thường xuyên để duy trì các kỹ năng của mình.  

“Về mặt lý thuyết thì khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các chuyến bay tạm dừng, đội ngũ phi công sẽ được nghỉ ngơi nhưng trên thực tế với đặc thù công việc của mình, họ luôn phải trong tư thế sẵn sàng khoác đồng phục và lên đường khi đường bay được mở. Chính bởi vậy, việc đưa trung tâm huấn luyện bay vào hoạt động như đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam là rất cẩn thiết để đội ngũ phi công duy trì kỹ năng bay, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bất cứ khi nào cần đến” – chuyên gia Nguyễn Thiện Tống nhận định.

Tin liên quan