Tuy cùng nằm trong “top” hai bang thịnh vượng nhất nước Mỹ nhưng số phận của California và New York hoàn toàn trái ngược giữa tâm dịch Covid-19. Trong khi, con số lây nhiễm tại California đang “lùi” xuống vị trí thứ 5, New York lại đang “chạy đua với thời gian” khi tỉ lệ tử vong cao hơn bất kỳ quốc gia nào ngoài nước Mỹ.
Hiện đang có mặt tại Mỹ, một trong những cây viết trẻ, từng đoạt giải C trong lễ trao giải báo chí Quốc gia năm 2016 - phóng viên Nguyễn Thị Vân Hằng (sinh năm 1989) của báo Kinh tế&Đô thị - đã có những ghi chép về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nơi đây.
Bài 1: California - Đô thị sầm uất hàng đầu thế giới rơi vào... im ắng
Bài 2: Đơn xin quyền lợi thất nghiệp đạt con số không tưởng
Chỉ đến trung tuần tháng 4, số đơn xin quyền lợi thất nghiệp tại Mỹ đã đạt con số 6.6 triệu, nâng tổng số người cần trợ cấp lên đến gần 17 triệu người, kể từ khi dịch Covid-19 làm đóng băng phần lớn nền kinh tế Hoa Kỳ.
Tiệm Macy's đóng cửa phòng chống đại dịch. Ảnh: Vân Hằng
|
Từ khi lệnh giới nghiêm toàn bang California được ban hành và chưa công bố ngày kết thúc, rất nhiều người Mỹ gia tăng nỗi lo về các hoá đơn sinh hoạt. Dịch bệnh đã làm cho các công ty nơi họ làm việc bị đóng cửa, kéo theo hàng triệu công việc bị mất. Có hơn 2 triệu người dân California nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp thời gian gần đây. Tuy nhiên, trợ cấp thất nghiệp tối đa ở bang California khoảng 1300USD/tuần chỉ hỗ trợ được phần nào mức chi tiêu rất cao của đại đa số dân Mỹ.
Những công ty hãng xưởng lớn, bé thông báo sa thải hoặc đình chỉ công việc như một phương thức bất khả kháng. Đơn cử như công ty Macy’s buộc phải cho khoảng 125,000 nhân viên ở nhà. Lãnh đạo của Macy’s vừa đưa ra báo cáo tình hình kinh tế đen tối của công ty trong khi phải duy trì chế độ bảo hiểm cho nhân viên đến ít nhất tháng 5. Từ đầu năm 2020 tới nay, cổ phiếu Macy’s đã mất gần 70% giá trị trên sàn chứng khoán Mỹ.
Hiện, Quốc hội Mỹ đã gấp rút soạn thảo luật phòng chống Covid19, giúp dân và cứu nguy kinh tế Mỹ. Chiều 27/3 Tổng thống Trump ký ban hành luật trợ giúp dân và các ngành nghề bị ảnh hưởng bởi nạn dịch, tổng chi 2.200 tỉ đô la, gồm các khoảng chỉ cho các số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ngắn hạn và trung hạn. Giới tiểu thương, các hãng hàng không, chủ khách sạn và người thất nghiệp có đóng thuế đều được trợ giúp tài chính.
Tuy nhiên, niềm vui đến từ gói cứu trợ 2.200 tỉ đô la của Quốc hội với công chúng Mỹ “chẳng tày gang”. Đơn giản, 1.200 USD cho mỗi người có thu nhập (và đóng thuế) dưới 75.000 đô la ở Mỹ, chỉ bằng khoảng một tháng tiền nhà ở khu an ninh tương đối thuộc ngoại ô tại các thành phố đắt đỏ thuộc California. Nếu không trả tiền nhà, số tiền ấy cũng chỉ đủ mua nhu yếu phẩm đắt đỏ cho 2 tuần ngắn ngủi. May mắn là trong gói cứu trợ của Quốc hội Mỹ, ngoài tiền trợ cấp tiểu bang, liên bang sẽ cho thêm khoảng 600 USD mỗi tuần.
Kịch bản gỡ bỏ lệnh giới nghiêm khi dịch qua đi, tiền trợ cấp không còn, vòng xoáy cạnh tranh tìm việc sẽ vô cùng khốc liệt khi tỉ lệ cầu vượt xa cung. Với những hỗ trợ tối đa từ Quốc hội Mỹ, phục hồi kinh tế lâu hay mau thời gian sẽ trả lời. Về y tế, khẩn cấp nhất phải tìm ra thuốc chữa bệnh, cùng lúc tìm thuốc chủng ngừa cho tương lai.
Lẫn trong số thông tin tiêu cực về dịch bệnh ngay tại California, báo giới phương Tây tìm thấy một điểm sáng: Số ca tử vong vì Covid-19 đã có dấu hiệu chững lại. Cách ly xã hội đã giải quyết khá triệt để yếu tố lây nhiễm chéo. Bộ trưởng Kinh tế tài chính Mỹ đã khẳng định, các công ty chắc chắn có thể “khởi động lại” vào tháng 5. Nhưng giới chuyên gia cảnh báo, dù tình hình dịch có lắng dịu, không có nghĩa là virus Covid-19 đã biến mất, làn sóng dịch thứ 2, khốc liệt hơn, có thể trở lại bất cứ lúc nào.