TP Hồ Chí Minh: Lo lắng dịch Covid -19, hành khách về quê giảm rõ rệt

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Mặc dù đã là ngày 24 tháng chạp, chỉ còn 6 ngày nữa là đến Tết Tân Sửu 2021, thời điểm bắt đầu mùa cao điểm đi lại dịp Tết nhưng hoạt động tại các bến xe, bến tàu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vắng một cách bất ngờ. Nhiều nhà xe đang đứng ngồi không yên do lượng khách trả vé quá nhiều.

Bến xe Miền Đông lượng khách giảm 20%, hơn 6.000 vé bị trả lại
Theo kế hoạch phục vụ vận tải hành khách Tết Tân Sửu 2021 của Bến xe Miền Đông, từ ngày 4/2 đến ngày 10/2 (tức 23 đến 29 tháng chạp), mỗi ngày có từ 1.400 đến 1.600 lượt xe xuất bến, lượng hành khách qua bến đạt từ 44.800 đến 49.000 lượt. Trong đó có 3 ngày cao điểm nhất (27-29 tháng chạp) lượng khách qua bến có thể xấp xỉ 50.000 lượt. Hiện tại, Bến xe Miền Đông có 164 nhà xe, hãng xe hoạt động với lượng xe 3.200 chiếc.
Theo Phòng kế hoạch vận tải, Bến xe Miền Đông (đầu mối giao thông lớn nhất cả nước), đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định không thiếu xe để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết. Tính đến ngày 4/2 (23 tháng chạp) lượng hành khách qua Bến xe Miền Đông đã giảm khoảng 20% so với năm trước. Cũng tính đến ngày 4/2 (23 tháng chạp) đã có 6.000 vé xe đi các tỉnh bị khách hàng trả lại do người dân lo ngại tình hình dịch bệnh nên quyết định không về quê ăn Tết.
Cũng theo Phòng Kế hoạch vận tải, Bến xe Miền Đông, 6.000 vé trả lại, đó mới chỉ là lượng vé trả lại tại quầy bán vé trong Bến xe Miền Đông. Các nhà xe có rất nhiều kênh khác nhau để bán vé nên không thể nắm bắt được tổng khối lượng vé bị trả lại là bao nhiêu.
Lượng khách qua bến xe giảm một phần cũng do các bến xe trá hình hoạt động rầm rộ trên khắp địa bàn TP Hồ Chí Minh, thậm chí có 2 bến hoạt động đối diện Bến xe Miền Đông. Theo Phòng Kế hoạch vận tải, Bến xe Miền Đông, một số tuyến có sản lượng hành khách lớn thuộc một số tỉnh Lâm Đồng, Quảng Nam, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột, Bình Định  có nhu cầu đi lại vào mùa Tết lớn, tuy nhiên hành khách tập trung vào các điểm “xe trá hình tuyến cố định” đang hoạt động tại các khu vực quận 1, quận 3, quận 5, quận 10, Tân Bình, Tân Phú... để đi lại
Doanh nghiệp vận tải đối diện với khó khăn
Nhà xe Tâm Minh Phương chạy tuyến TP Hồ Chí Minh – Huế, cho biết lượng vé khách trả lại lên đến 60-70%. Đại diện nhà xe vừa đưa sơ đồ chỗ ngồi trên xe vừa chứng minh cho phóng viên, trong 2 ngày cao điểm nhất đối với các tuyến dài trên 1.000km là ngày 5/2 (24 Tết) và 6/2 (25 Tết) số lượng ghế trên xe có khách chắc chắn chỉ chiếm khoảng 50%, 50% còn lại vẫn bỏ trống, nhà xe chỉ còn hy vọng vào khách vãng lai, khách có quyết định về Tết muộn.
Đại diện nhà xe than thở: “Vé lỡ bán rồi, có khách đi thì mình vẫn phải chạy vì nhà xe chủ yếu phục vụ khách quen quanh năm. Biết tình hình thế này thì nghỉ chạy, chạy mà xe trống hơn một nửa thì làm sao mà có lời, chỉ mong có thể kéo được vốn”.
Tình hình đối với nhà xe Quang Hạnh, chạy tuyến TP Hồ Chí Minh – Nha Trang cũng không khá hơn. Đại diện nhà xe cho biết: “Đến thời điểm này là thấy thua chắc rồi, lượng khách trả vé lên đến 40%. Tết nhất đến nơi mà tình hình dịch bệnh thế này thì doanh nghiệp vận tải cầm chắc một cái Tết thất thu nặng nề, cả năm chỉ trông chờ vào vài mùa cao điểm, cao điểm nhất là dịp trước và sau Tết, mà Tết năm nay thì cầm chắc là thua rồi”.
Nhà xe Băng Phương chạy tuyến TP Hồ Chí Minh – Tuy Hòa cho biết, nhà xe có điều một số xe vốn chạy tuyến cố định Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột vào tăng cường cho tuyến TP Hồ Chí Minh – Tuy Hòa. Xe vào đến nơi rồi nhưng lượng khách trả vé khá nhiều, phòng vé liên tục báo về. Tình hình này thì không có hy vọng gì vào một mùa cao điểm phục vụ Tết.
Ga Sài Gòn khách trả vé nhiều hơn khách đi
Ghi nhận thực tế của phóng viên, năm nay lượng hành khách về Tết bằng tàu rất ít. Trong Ga Sài Gòn không còn cảnh hành khách đông đúc ngồi vật vạ chờ tàu như những năm trước. Hành khách về quê trong các ngày qua chủ yếu là các tỉnh miền Trung từ Huế đổ vào như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Tại quầy vé, hành khách về các tỉnh Quảng Bình đổ ra miền Bắc đi trả vé rất đông vì lo ngại dịch bệnh Covid-19.
Anh Đào Ngọc Tuyên về Nghệ An cho biết, trước khi dịch bệnh bùng phát, cả gia đình về quê ngày 26 Tết, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh phức tạp, mấy ngày qua cân nhắc việc về quê nên hôm nay quyết định đến trả vé vì sợ nếu có dịch bùng phát, sẽ bị cách ly thì nhỡ việc.
Chị Nguyễn Thu Hà, về Nam Định cho biết, cả gia đình háo hức chuẩn bị về Tết từ mấy tháng nay, tuy nhiên đến sát ngày về thì tình hình dịch bệnh phức tạp. Hôm qua, ông bà ngoài Bắc gọi vào bảo đừng về, gia đình quyết định thực hiện khuyến cáo của Chính phủ, ở yên một chỗ nên trả vé không về quê ăn Tết, dù rằng quyết định này hết sức khó khăn, cân nhắc mất ngủ mấy ngày nay.
Bên cạnh đó, cũng có hành khách sau khi đi trả vé, sau đó cân nhắc mua lại. Một hành khách dấu tên cho hay, 6h sáng ngày 5/2 đã trả hết 4 vé khứ hồi, và chịu mất 3 triệu tiền phí, tuy nhiên đến trưa lại thay đổi quyết định, quay lại mua vé cho 2 mẹ con về Quảng Ngãi.
Bến xe Miền Tây chưa có biến động
Tại Bến xe Miền Tây, theo ghi nhận của phóng viên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy đang bước vào mùa cao điểm đi lại, các quầy vé khá vắng vẻ.
Theo giải thích của một nhà xe, các tuyến xuất phát từ Bến xe Miền Tây, xa nhất cũng chỉ khoảng 300km như Cà Mau, Kiên Giang, phần nhiều là các tuyến ngắn dưới 150km. Riêng đối với các tỉnh lân cận TP như Long An, Tiền Giang, Bến Tre cự ly tuyến chỉ dưới 100km. Thông lệ, đối với Bến xe Miền Tây, phải đến 28-29-30 tháng chạp thì lượng khách qua bến về các tỉnh mới tăng đột biến.
Một phần khác, do cự ly quá ngắn dưới 100km, người miền Tây từ TP Hồ Chí Minh lựa chọn đi xe máy để tiết kiệm chi phí và linh hoạt hơn.

Khánh Chương Tiến

Tin liên quan